Đà Nẵng đã ứng xử, tương tác thế nào với thông tin từ mạng xã hội?

Fanpage Facebook 'Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp', kênh tiếp nhận thông tin phản ánh chính thống của ngành chức năng Đà Nẵng, đã hoạt động rất hiệu quả trong 5 năm qua…

Một trong những nội dung tương tác trên Fanpage Facebook 'Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp' - Ảnh chụp màn hình

Ra đời vào ngày 11.4.2013, nhóm Facebook có “tôn chỉ”: lập ra để chung tay góp sức xây dựng một Đà Nẵng tiện nghi, xanh, sạch, đẹp.

Theo ban quản trị với 9 admin (quản trị viên), mọi thông tin ngoài mục đích trên khi đưa lên sẽ bị loại mà không cần báo trước. “Vui lòng không đăng tin mang tính kích động, nội dung không lành mạnh, không dùng ngôn từ mất lịch sự. Không sử dụng hình ảnh phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục...”, nhóm Facebook nêu rõ.

Trong 5 năm qua, nhóm đã kết nạp gần 80.000 thành viên (58% là nam), trong đó có 77.000 thành viên từ Việt Nam, số còn lại là thành viên từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Theo thống kê, không chỉ người dân Đà Nẵng với gần 54.000 thành viên, các thành phố khác như Hà Nội cũng có 2.500 thành viên, TP.HCM hơn 5.100 thành viên…

Những phản ánh để ngành chức năng xử lý và cũng là góp ý để chấn chỉnh hành vi của người dân - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, nhóm Facebook tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân trên tất cả các lĩnh vực của đô thị, như: hạ tầng giao thông, chiếu sáng, điện, nước…

Các quản trị viên khi tiếp nhận bài yêu cầu phê duyệt đăng lên nhóm sẽ tiến hành kiểm tra tính xác thực của thông tin cũng như thông tin sơ bộ về người đăng. Bài được đăng sẽ được chuyển đến quản trị viên có trách nhiệm về du lịch, đô thị, hạ tầng… để tiến hành xử lý.

Nhờ tính tương tác linh hoạt cũng như tiếp nhận và xử lý sự việc nêu ra nhanh chóng nên nhóm Facebook này rất nổi tiếng ở TP.Đà Nẵng. Chẳng hạn, thời gian qua, nhóm đã xử lý nhiều vụ việc cột điện xiêu vẹo, mất nắp cống gây nguy hiểm cho người đi đường.

Thông qua tiếp nhận thông tin phản ánh, ngành chức năng đã xử lý nhiều vụ việc du khách bị tài xế taxi, thợ đánh giày “chặt chém”. Lực lượng công an vào cuộc những vụ việc như tố cáo hàng xóm cào xước xe bằng video; xử lý vụ tạt sơn đỏ lên xe ô tô bằng hình ảnh…

Báo chí từ kênh thông tin này cũng tiếp nhận và phản ánh đến ngành chức năng xử lý. Bằng cách tiếp nhận phản ánh thú vị và trực quan, nhóm tiếp tục thu hút nhiều thành viên.

Tính riêng trong 28 ngày qua, đã có gần 2.400 thành viên được phê duyệt tham gia nhóm. Nhóm Facebook đã đăng phê duyệt hơn 1.000 bài viết hợp quy, lượng tương tác của nhóm cũng rất “khủng” với 27.000 bình luận.

Quản trị viên Nguyễn Văn Duy cho hay, ngay từ đầu khi phê duyệt, những status (bài viết) mang tính động cơ cá nhân đều được các quản trị viên xem xét chặt chẽ. Bài vi phạm sẽ bị loại ngay từ đầu.

“Chỉ những vấn đề đô thị, mang tính chất chung cho cộng đồng và đúng luật của nhóm mới được đăng. Những status mang hơi hướng cá nhân, vi phạm luật của nhóm thì chúng tôi không duyệt đăng. Tỉ lệ bỏ bài hồi đầu mới vận hành chiếm rất lớn. Nhất là bài quảng cáo, bán hàng online”, ông Duy nói.

Ông Duy cũng cho biết, qua 5 năm hoạt động, nhóm Facebook đã hoạt động ổn định, những bài phạm luật dần dần ít đi. Ban đầu, có những bài thường xuyên vi phạm vì liên quan đến những tổ chức, cá nhân.

“Một là chúng tôi buộc người ta sửa lại rồi cho tồn tại, hai là nếu không sửa thì chúng tôi sẽ rút bài xuống. Lâu dần đã thành nếp, cơ bản là các thành viên chấp hành đúng nội quy của nhóm”, ông Duy nói thêm.

TP.HCM ứng xử với mạng xã hội như thế nào?

Tại TP.HCM, một số cơ quan, đơn vị đã sử dụng fanpage, là một trong những kênh cung cấp thông tin, tương tác với người dân. Trong đó có fanpage cho hệ thống 1022, fanpage Sở Giao thông vận tải TP.HCM, fanpage Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn ...

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM (cơ quan chủ trì triển khai chỉ đạo của UBND TP.HCM về xây dựng, vận hành hệ thống 1022) cho biết, sau khi trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 (tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn gồm 6 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và giao thông công cộng), TP.HCM vận hành thêm fanpage để mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, tương tác nhanh với người dân.

Hệ thống 1022 đang được vận hành ổn định và liên tục 24/7, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân TP.HCM, nâng cao trách nhiệm của bộ máy chính quyền trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, phản ánh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Tuy nhiên, nhằm tạo nhiều tiện ích cho người dân, đa dạng các phương thức phản ánh, Sở TT-TT TP.HCM đã mở rộng thêm kênh tiếp nhận thông qua mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022 (facebook.com/1022tphcm), mục đích để sự tương tác giữa chính quyền và người dân được thuận lợi và nhanh chóng hơn nữa.

Đình Phú

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/da-nang-da-ung-xu-tuong-tac-the-nao-voi-thong-tin-tu-mang-xa-hoi-1033377.html