Đà Nẵng cưỡng chế công trình sai phép Mường Thanh: 104 hộ dân không đồng ý di dời

Bức xúc trước việc chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà không tham dự cuộc họp, chưa tổ chức đối thoại với các hộ dân tại khu vực xây dựng sai phép nhưng chính quyền lại thông báo cưỡng chế, 104 hộ dân sinh sống tại Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, sẽ không di dời nếu chưa có cách giải quyết thỏa đáng.

Cư dân tại Mường Thanh nơi xảy ra sai phạm xây dựng sai phép không đồng ý di dời, buộc chủ đầu tư đối thoại. Ảnh: HV

Người dân bất bình vì tài sản hợp pháp vẫn buộc di dời

Sáng 16.6, UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân, chủ hộ từ tầng 2 đến tầng 5 của dự án Mường Thanh - nơi chủ đầu tư xây dựng sai phép khi tự ý chuyển đổi công năng công cộng thành căn hộ.

Tuy nhiên, trước thông tin về phương án cưỡng chế tháo dỡ, di dời, đồng thời buổi họp vắng mặt đại diện chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, nhiều người dân lên tiếng phản đối.

Anh Lê Hoàng - chủ một căn hộ tại tầng 2 của dự án có ý kiến: “Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương và quyết định tháo dỡ với công trình sai phạm tại Mường Thanh, nhưng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, chính quyền phải yêu cầu chủ đầu tư đưa ra cách giải quyết hợp lý. Không thể có chuyện chúng tôi mua nhà, giấy tờ hợp pháp rồi nay thành phố muốn chúng tôi đi, ra ngoài ở nhà tạm là đi được”.

Tiếp lời, ông Lê Văn Quý - chủ căn hộ khác tại đây đặt vấn đề: “Dù đền bù xong thì chúng tôi đi đâu? Chúng tôi là những người không có nhiều tiền, thậm chí có người bán nhà cửa để rồi mua chung cư này ở.

Hơn nữa, việc mua bán của chúng tôi là hợp pháp, có giấy tờ đàng hoàng. Tại sao khi chủ đầu tư xảy ra sai phạm, chính quyền không ngăn cản ngay mà nay lại phát thông báo tháo dỡ tới người dân. Trong khi đó, chủ đầu tư im hơi lặng tiếng, chưa nói một lời nào với người dân”.

Cùng chung nỗi bức xúc trước việc cuộc họp lần này không có sự tham dự của đại diện chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà, chị Lê Minh Huy - chủ căn hộ 334 - nhấn mạnh: “Khi nào chủ đầu tư trực tiếp đối thoại, đền bù thỏa đáng thì chúng tôi mới đi. Thành phố có cưỡng chế bây giờ là người dân không đồng ý, chúng tôi sẽ không di dời”.

Buộc chủ đầu tư đối thoại

Trao đổi với người dân tại buổi họp, ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND phường Mỹ An - cho biết, UBND phường đã có thư mời chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà tham dự cuộc họp nhưng cả hai đều không đến.

Trước đó, thành phố và các cấp cũng đã đưa ra thông báo yêu cầu chủ đầu tư họp các hộ dân để thông báo tình hình và tìm cách giải quyết nhưng đến nay đơn vị này vẫn không thực hiện.

Trước bức xúc và nhiều ý kiến của người dân về việc cưỡng chế, di dời khỏi khu vực công trình sai phép tại Mường Thanh, ông Huỳnh Cự - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn - chia sẻ, trong quá trình xử lý vi phạm, sai phạm của Mường Thanh, quận Ngũ Hành Sơn và phường Mỹ An đã làm đầy đủ quy trình, đúng quy định pháp luật, không có sự dung dưỡng và việc tiến hành cưỡng chế là điều bắt buộc. Bởi, “nếu chính quyền không làm thì tức là hợp thức hóa cho sai phạm của doanh nghiệp và tạo tiền đề xấu cho xã hội” - ông Cự lý giải.

Bên cạnh đó, ông Cự nhìn nhận, nếu như người dân chưa vào ở đây, việc cưỡng chế sẽ diễn ra dễ dàng hơn, đó cũng là cái sai của phía chính quyền.

“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải bố trí chỗ ở cho bà con khi tiến hành tháo dỡ, nhưng nếu chủ đầu tư không hợp tác, thành phố đang lên phương án hỗ trợ tìm nơi chỗ ở tạm.

Trường hợp nếu các hộ dân cảm thấy việc đền bù không thỏa đáng, người dân có quyền khởi tố ra tòa án dân sự. Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn đứng về phía người dân để giúp đỡ, can thiệp.

Về ý kiến của mọi người hôm nay, chúng tôi sẽ báo cáo lại UBND thành phố để buộc doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù trước khi tháo dỡ” - ông Cự cho hay.

THÙY TRANG - HOÀNG VINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/da-nang-cuong-che-cong-trinh-sai-phep-muong-thanh-104-ho-dan-khong-dong-y-di-doi-613635.ldo