Đà Nẵng: Cụm công nghiệp giải quyết bài toán mặt bằng sản xuất cho DNNVV

4 cụm công nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng sẽ giải quyết được bài toán mặt bằng sản xuất - vấn đề bức thiết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Đà Nẵng đang gặp phải.

Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động hiệu quả nhưng còn nằm trong khu dân cư với điều kiện mặt bằng sản xuất chật hẹp

TP. Đà Nẵng hiện còn nhiều DN đang hoạt động sản xuất trong khu dân cư. Nhiều DN trong số đó hoạt động hiệu quả, có nguyện vọng di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư và mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do là DNNVV, vốn sản xuất hạn chế, nên việc thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp rất khó khăn. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng những cụm công nghiệp (CCN) phục vụ đối tượng thuê là các DNNVV với nhu cầu thuê từ vài trăm m2 đến vài nghìn m2 là vấn đề được các DN thành phố quan tâm và trông đợi.

Trong các dự án trọng điểm sử dụng ngân sách thành phố đến năm 2020, có 4 dự án CCN gồm: CCN Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), Hòa Khánh Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).

Trong đó, dự án CCN Cẩm Lệ sẽ được triển khai đầu tiên. Dự án có tổng diện tích 29,1ha, đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2018 với tổng mức đầu tư 254,8 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018-2020 với tổng mức đầu tư 155,4 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ 2021-2022 với tổng đầu tư 99,4 tỷ đồng. Ngay trong năm 2018, TP. Đà Nẵng đã bố trí 20 tỷ đồng để thực hiện giải tỏa đền bù tại khu vực triển khai xây dựng CCN Cẩm Lệ. UBND quận Cẩm Lệ đang tiến hành các thủ tục thu hồi đất, giải tỏa đền bù khu vực dự án và thực hiện các thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, quận đã có tờ trình đề nghị thành lập CCN Cẩm Lệ và được Sở Công Thương tổng hợp, thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt quyết định thành lập theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, hiện có hơn 500 DNNVV quận Cẩm Lệ đã đăng ký thuê mặt bằng tại CCN Cẩm Lệ với diện tích từ vài trăm m2 đến hàng chục hécta.

Đối với CCN Hòa Nhơn, theo quy hoạch được duyệt, dự án có tổng diện tích 24,7ha, trong đó có 284 lô đất để xây dựng nhà xưởng, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích 15ha và diện tích giao thông, vỉa hè là 9,5ha. Tháng 9/2018, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đền bù giải tỏa với kinh phí gần 47 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020. Dự án do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, UBND thành phố đã bố trí vốn đền bù giải tỏa trong năm 2018 là 20 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang đang triển khai các thủ tục trình phê duyệt dự án và công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư dự án CCN Hòa Nhơn.

2 CCN còn lại là CCN Hòa Khánh Nam (diện tích 11,8ha) và CCN Hòa Hiệp Bắc (diện tích 14,5ha) đang triển khai lập hồ sơ chủ trương đầu tư và lập quy hoạch. 2 dự án này sẽ do UBND quận Liên Chiểu làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án.

Đẩy nhanh tiến độ thành lập các CCN sẽ hỗ trợ thiết thực cho DNNVV mở rộng, ổn định sản xuất kinh doanh

Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế - ông Nguyễn Xuân Sơn - chia sẻ: Việc Đà Nẵng xúc tiến nhanh các CCN là hết sức đúng đắn và thiết thực. Ông Sơn cho biết, hiện việc sản xuất trong khu dân cư khiến DN gặp rất nhiều khó khăn do không có mặt bằng sản xuất. Công ty có 94 lao động nhưng DN chỉ có 900m2 đất sản xuất (300m2 đất của DN và 600m2 đất thuê của các hộ dân xung quanh), vì vậy, chỉ có 62 lao động làm việc tại nơi sản xuất, 32 lao động còn lại phải gia công ngoài công ty. Với quy mô sản xuất và thị trường mà Công ty Hương Quế hiện có, DN cần thành phố cho thuê khoảng 4.000m2 đất cho giai đoạn hiện tại và khoảng 7.000m2 đất cho giai đoạn 2020 - 2025 để bố trí cho khoảng 250 - 300 lao động tại chỗ.

Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng - cho rằng, mặt bằng sản xuất là vấn đề các DNNVV luôn đề cập trong tất cả các cuộc gặp mặt, tiếp xúc của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp. Việc thành phố đẩy nhanh xây dựng các CCN là động thái cần thiết để hỗ trợ các DN mở rộng và sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp di dời sản xuất ra khỏi khu dân cư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại những khu vực này.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-cum-cong-nghiep-giai-quyet-bai-toan-mat-bang-san-xuat-cho-dnnvv-111097.html