Đà Nẵng có cơ hội không thể tốt hơn để làm cảng Liên Chiểu

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ủng hộ Đà Nẵng nên khởi công ngay cảng Liên Chiểu, không thể đánh mất cơ hội 20 năm mới có được.

Phát biểu tại hội thảo quy hoạch cảng biển Đà Nẵng chiều 7-11, kỹ sư Phan Văn Chương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP Đà Nẵng, khẳng định: “Chúng ta đã nghiên cứu cảng Liên Chiểu rất lâu. JICA nghiên cứu gần 20 năm rồi chứ không phải bây giờ. Nhà nước, Chính phủ đồng ý rồi thì đây là cơ hội của chúng ta, không có cơ hội nào khác nữa đâu”.

Kỹ sư Phan Văn Chương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Kỹ sư Phan Văn Chương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Tư vấn Singapore chọn cảng Tiên Sa

Báo cáo tại hội thảo, đại diện tư vấn Surbana Jurong (Singapore) bảo lưu quan điểm rằng Đà Nẵng không nên làm cảng Liên Chiểu mà cần tập trung vào mở rộng toàn diện cảng Tiên Sa. Tại cảng Tiên Sa, phía tư vấn đưa ra phương án mở rộng cảng bao phủ toàn bộ vùng nước từ chân cầu Thuận Phước đến cảng hiện trạng.

Cả cảng Tiên Sa khi đó sẽ có 14 cầu, tổng chiều dài đường bờ cảng là 5,8 km. Đặc biệt, mặt trước của cảng (hướng vịnh Đà Nẵng) sẽ có đảo nhân tạo để xây dựng các công trình liên quan. Về giao thông kết nối, tư vấn Singapore đề xuất làm đường trên cao từ hai đến ba tầng để phân luồng các dòng xe.

“Khi có cả hai cảng thì vịnh Đà Nẵng sẽ có đến hai luồng nước sâu, dễ tác động đến môi trường. Vịnh Đà Nẵng lại đang rất đẹp, thế mạnh phát triển du lịch” - đại diện phía tư vấn nói. Tuy vậy, đề xuất này chưa có những so sánh, đánh giá khoa học để thuyết phục được các chuyên gia tại hội thảo.

Đại diện tư vấn Surbana Jurong của Singapore. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Justin Cross, Công ty Royal Haskoning DHV (chuyên làm cảng biển Hà Lan), cho rằng cảng Liên Chiểu không nên bị tách ra khỏi vùng. Đà Nẵng đang là một trong những hình mẫu, định hướng phát ở Việt Nam. Trong đó, phát triển cảng mới là món quà cho người dân TP. Nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì các vấn đề tái định cư, giải phóng mặt bằng rất phức tạp.

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), tư vấn Singapore chưa đánh giá quỹ đất sau cảng Tiên Sa để mở rộng dịch vụ hậu cần cảng. Việc này đảm bảo cho việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng Logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm, đáp ứng lượng hàng thông qua gần 28 triệu tấn/năm vào năm 2030 và các năm tiếp theo.

“Chúng tôi quan ngại với quy mô của cảng Tiên Sa theo đề xuất sẽ không đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội” - ông Đạt nói.

Khởi công ngay cảng Liên Chiểu

Theo đại diện JICA tại Việt Nam, vùng đất tại cảng Tiên Sa hiện nay quá nhỏ để mở rộng như đề xuất, nếu làm được cũng mất quá nhiều thời gian, trong khi cảng Tiên Sa cũng sắp quá tải.

“Về quy trình pháp lý, cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch chung của trung ương, nếu thay đổi lại cần xem xét, suy nghĩ rất kỹ mới thay đổi được, rồi trình lên Thủ tướng phê duyệt” - vị này nói.

Phương án mở rộng cảng Tiên Sa theo đề xuất của tư vấn Singapore. Ảnh: Surbana Jurong

Đồng tình với ý kiến này, kỹ sư Phan Văn Chương đánh giá đề xuất của tư vấn Singapore chưa thỏa đáng, phải có sự so sánh giữa cảng Liên Chiểu, Tiên Sa và các cảng lân cận thì mới đưa ra được sự lựa chọn.

“Quy hoạch cảng Tiên Sa như đề xuất thì hàng chục năm làm chưa xong đâu. Quân sự không bỏ được, âu thuyền Thọ Quang mà bỏ nữa thì đi đâu. Phương án giao thông trên cao cũng chưa đủ để giải tỏa lượng hàng hóa cho cảng Tiên Sa” - ông Chương nói.

Trong khi đó, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, cho rằng từ lâu ông đã phản đối việc mở rộng cảng Tiên Sa vì có phần xâm phạm đến bán đảo Sơn Trà. Hơn nữa, trong hành lang kinh tế đông tây mà Đà Nẵng được chọn làm cửa ngõ, việc làm sớm cảng Liên Chiểu là cần thiết và cấp bách.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, TP làm du lịch có giỏi thì cũng chỉ đóng góp 10%-15% GDP. Logistics thì nguồn thu tốt, kéo theo bức tranh kinh tế rất tốt.

“Vòng đời của cảng Tiên Sa đã xong sứ mệnh của nó rồi. Đã thiết kế hành lang kinh tế đông tây, trao vào tay chúng ta cửa ngõ của hành lang, việc bây giờ là tận dụng. Hàng hóa trên hành lang này làm tăng lượng container qua cảng. Không có đủ quân dự bị thì không đánh trận lớn được đâu. Nên khởi công cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ để đến năm 2025 chuyển hàng được từ Tiên Sa qua” - ông Sia nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh tư vấn Singapore cần đưa ra đề xuất chính thức chứ không hỏi ngược lại TP chọn thế nào. Tư vấn cần có giải trình, luận cứ đầy đủ thuyết phục gửi cho TP để khẳng định đề xuất của mình là đúng đắn.

“Điều quan trọng là 20 năm nữa Đà Nẵng muốn trở thành TP du lịch hay TP cảng. Chúng tôi đưa ra câu hỏi này không phải là làm cho lãnh đạo TP cảm thấy khó khăn hơn trong lựa chọn mà chúng tôi muốn chỉ ra những vấn đề phải xem xét, lựa chọn, những quyết định có liên quan đến cơ sở hạ tầng, ngập lụt phải được kết hợp trong quy hoạch của TP. Nếu như phát triển cảng Liên Chiểu thì kế hoạch quy hoạch sử dụng đất của TP như thế nào. Chúng tôi nghiêng hơn về mở rộng cảng Tiên Sa, dù lựa chọn vị trí, quy mô cảng như thế nào thì vẫn phải đảm bảo giao thông của TP thông suốt với vị trí cảng biển” - đại diện tư vấn Surbana Jurong nói.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/da-nang-co-co-hoi-khong-the-tot-hon-de-lam-cang-lien-chieu-868844.html