Đà Nẵng chuyển hướng từ 'thành phố đáng sống' sang 'thành phố 4 an'

Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Anh, sáng 27.12, toàn thành phố Đà Nẵng chính thức triển khai xây dựng đề án "thành phố 4 an" đến năm 2020. Lãnh đạo quận huyện nào làm tốt sẽ được đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn. Ai làm chưa tốt sẽ bị điều chuyển, thay thế...

Lãnh đạo Đà Nẵng ký cam kết xây dựng đề án thành phố 4 an - Ảnh: Lê Đình Dũng

Tại Trường Chính trị thành phố sáng 27.12, lãnh đạo toàn TP.Đà Nẵng đã tham dự Hội nghị quán triệt chủ trương xây dựng "thành phố 4 an" dưới sự điều hành của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.

Chuyển hướng từ mục tiêu xa vời hơn là ‘thành phố đáng sống’ sang mục tiêu cụ thể hơn là ‘thành phố 4 an’, Bí thư Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố đặt quyết tâm ở mức cao nhất để thực hiện đề án này.

Đề án ‘thành phố 4 an’ gồm 4 chỉ tiêu: an ninh trật tự; an toàn giao thông; an sinh xã hội và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề án này được đưa ra thực hiện trong bối cảnh Đà Nẵng đang ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là về an ninh trật tự. Trong năm qua, nhiều vụ án mạng lớn và chưa có tiền lệ đã xảy ra ở thành phố này. Đặc biệt, các vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến ma túy đã xảy ra liên tiếp khiến cộng đồng cảm thấy bất an.

Trong kỳ họp HĐND TP mới đây, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng dư luận thậm chí còn đặt nghi vấn lực lượng công an có liên hệ với các băng nhóm xã hội. Ngoài ra, với sản lượng 9.000 tấn/năm, các vựa rau được cho là sạch, an toàn ở Đà Nẵng chỉ cung cấp được xấp xỉ 6% nhu cầu của toàn thành phố; số còn lại từ các nơi khác chuyển đến và chưa được kiểm soát chất lượng, trong đó có cả nguồn gốc từ Trung Quốc.

Khoảng 1 triệu dân cư Đà Nẵng vẫn đang hằng ngày đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường; đặc biệt là 13 điểm nóng gồm các khu công nghiệp, bãi rác, trại giết mổ, nhà máy thép... Mới đây, người dân bức xúc đã bao vây 2 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý ở Khu công nghiệp Hòa Khánh gây ô nhiễm. Trước đó, đã nhiều lần người dân bao vây bãi rác Khánh Sơn, nhà máy ở Khu công nghiệp Liên Chiểu…

Trong khi đó, việc Quảng Nam di dời nhà máy thép Việt Pháp đầy lên đầu nguồn sông Vu Gia, nguồn cung cấp nước sinh hoạt của cả TP.Đà Nẵng cũng khiến người dân thấp thỏm.

Ông Xuân Anh đề nghị lãnh đạo chủ chốt, kể cả người sắp nghỉ hưu, phải có quyết tâm thực hiện ở mức cao nhất với chủ trương này. “Mình làm cho con cho cháu thì chắc chắn phải quyết tâm ở mức cao hơn nữa”.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu triển khai xây dựng đề án 'thành phố 4 an' - Ảnh: Lê Đình Dũng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh cùng Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chứng kiến 7 Chủ tịch UBND các quận huyện ký vào cam kết thực hiện chủ trương này. “Bút sa gà chết, chủ tịch các quận huyện đã ký kết tổ chức thực hiện, đề nghị các lãnh đạo phải đặt sinh mệnh chính trị vào chữ ký này”, ông Xuân Anh yêu cầu.

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu Văn phòng Thành ủy theo dõi thường xuyên việc thực hiện chủ trương ở các địa bàn. “Bí thư, chủ tịch nào làm tốt, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn. Ai làm chưa tốt sẽ điều chuyển, thay thế”, ông nói.

Ông Xuân Anh cũng đề nghị sự ủng hộ từ báo chí đối với việc thực hiện đề án này. “Chủ trương 4 an hết sức quan trọng để xây dựng thành phố an bình nên rất cần sự ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng. Chứ không phải suốt ngày cứ hầm với cầu đâu, đó chỉ là một nội dung nhỏ trong nhiều nội dung khác nhưng mà các đồng chí quan tâm quá (liên quan việc báo chí đăng tải nhiều phản biện xung quanh việc Đà Nẵng có chủ trương xây hầm vượt sông Hàn mới đây)”.

“Đề nghị báo đài tuyên truyền đậm nét, làm rõ quyết tâm của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi rất quyết tâm, thậm chí bằng cả tấm lòng nhưng báo đài không quan tâm đúng mức, làm không khéo thì sẽ có sự thờ ơ trong đảng viên và nhân dân”, Bí thư Đà Nẵng đề nghị.

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/da-nang-chuyen-huong-tu-thanh-pho-dang-song-sang-thanh-pho-4-an-52875.html