Đà Nẵng: Chi hàng chục tỷ mở lối xuống biển cho dân

5 lối xuống biển được triển khai tại quận Ngũ Hành Sơn đã chấm dứt phần nào việc các dự án rào chắn lối xuống biển. Tuy nhiên, để ra biển không chỉ là một đường đi. Người dân còn cần các dịch vụ hỗ trợ, bãi tắm…

Lối xuống biển ở cuối đường Hồ Xuân Hương, cạnh khách sạn Furama.

Lối xuống biển ở cuối đường Hồ Xuân Hương, cạnh khách sạn Furama.

Biển bị “quây kín”

Trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2013, có 33 dự án được bàn giao đất cho các chủ đầu tư. 12 km đất ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn gần như được quây kín bởi các resort, khách sạn, bịt luôn đường xuống biển của người dân lẫn du khách. Những dự án chậm triển khai, dự án “treo” cũng được rào chắn kín mít. Từ bãi tắm Sao Biển đến bãi tắm Sơn Thủy có chiều dài khoảng 5 km nhưng không hề có lối đi xuống biển.

Câu chuyện “đòi” lại lối xuống biển của người dân, vì vậy, luôn là chủ đề nóng tại các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri các cấp. Người dân, trong nhiều năm dài, đã kiến nghị chính quyền can thiệp, buộc chủ đầu tư phải trả lại lối đi.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (trú phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nêu ý kiến: “Giữa các dự án nên dành một khoảng trống để làm lối đi, bãi tắm cho người dân. Chúng tôi nhà ngay sát biển mà muốn tắm biển phải xách xe máy chạy qua các bãi tắm công cộng để tắm chớ khách sạn, resort họ quây kín rồi, đi đường mô mà xuống”.

Không riêng gì quận Ngũ Hành Sơn, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chạy dài ven vịnh Đà Nẵng, từ chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) cho đến đoạn đường Tôn Thất Đạm, từ gần chục năm nay đã bị rào kín mít để phục vụ cho dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Bãi tắm Thanh Bình vốn quen thuộc với người dân khu vực này bỗng chốc bị “xóa sổ”.

Năm 2017, người dân sống quanh khu vực dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu) đã mấy lần phản ứng về việc Tập đoàn Trung Thủy xây hàng rào bịt kín phần đất đã được cấp phép để triển khai xây dựng dự án.

Theo đó, việc rào chắn này đã làm mất lối xuống biển khiến ngư dân không thể di chuyển ngư cụ. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã phải vào cuộc, đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ hàng rào, trả lại lối đi cho dân. UBND TP Đà Nẵng sau đó đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch của dự án này. Ngoài mở thêm 5 lối xuống biển, ghềnh Nam Ô và bãi cát được đưa ra khỏi quy hoạch dự án để phục vụ cộng đồng.

Trả lại quyền được hưởng thụ biển của người dân

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Lối xuống biển dành cho người khuyết tật với tổng đầu tư gần 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Sẽ có 24 lối xuống biển dành cho người khuyết tật tại các bãi biển: 18 lối tại khu vực biển đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa; 6 lối tại khu vực biển đường Nguyễn Tất Thành.

Sau khoảng 10 năm “tranh chấp” giữa người dân và các chủ đầu tư về con đường xuống biển, Đà Nẵng quyết tâm sửa sai trong chính sách thu hút đầu tư. Chính quyền Đà Nẵng đã thương thảo với nhà đầu tư, vận động và cả yêu cầu nhượng lại một số đoạn bờ để làm lối xuống biển. Thời gian đầu khi triển khai chủ trương này, đã có dư luận cho rằng đây chỉ là biện pháp “chữa cháy” bởi đã có tình trạng lối đi dẫn vào cửa cống, khuất…

Tuy nhiên, cho đến nay, với những lối đi đã bàn giao sử dụng cho thấy Đà Nẵng đã quyết tâm tạo những lối xuống biến đẹp, an toàn cho người dân và du khách. Chỉ tính riêng lối xuống biển giữa khách sạn Furama và quần thể du lịch quốc tế Ariyana đã có tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Ngoài đường đi bộ được lát đá tự nhiên, công trình còn có vườn hoa, thảm cỏ dọc hai bên đường cùng các hạng mục vui chơi, đèn chiếu sáng.

Ông Nguyễn Hữu Tiến (trú tổ 3, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Từ ngày có lối xuống biển, nhà tôi chỉ cần đi bộ vài phút là ra tới biển ngay. Không phải đi vòng vèo qua hết hai khu nghỉ mát rồi mới ra đến bãi tắm Sao biển ở phường Mỹ An”.

Cùng với việc mở lối xuống biển, Đà Nẵng có chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng 2 quảng trường kết hợp bãi đậu xe ở dọc đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cạn, thụ hưởng không gian biển của người dân và khách du lịch. Tổng mức đầu tư của 2 hạng mục này là 18,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Một dự án khác cũng được đề xuất triển khai là đường đi bộ, đi xe đạp ven bờ biển.

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng, việc mở lối xuống biển không đơn thuần là mở ra một con đường. Nó là chủ trương tổ chức không gian công cộng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của người dân và du khách.

Việc xây dựng một tuyến đường đạp xe, đi bộ ven biển dọc các khu nghỉ dưỡng sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng, vừa tăng cường khả năng phòng chống sạt lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/da-nang-chi-hang-chuc-ty-mo-loi-xuong-bien-cho-dan-aKLUiIbGg.html