Đà Nẵng:Chỉ 16% cơ sở dịch vụ ven biển có giấy phép đấu nối xử lý nước thải

Tại khu vực ven biển phía Đông TP Đà Nẵng có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh đang hoạt động. Nhưng tính đến tháng 6/2018, chỉ mới có 201 giấy phép và công văn thống nhất phương án đấu nối xử lý nước thải (XLNT) được cấp (đạt tỷ lệ 16%)!

Ngày 17/10, Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho hay, phiên họp thường kỳ tháng 10 của Thường trực HĐND TP vừa được tiến hành ngày 16/10, do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung chủ trì, có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đặng Thị Kim Liên.

Đà Nẵng đang rất đau đầu với việc xử lý nước thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển phía Đông TP (Ảnh: HC)

Tại phiên họp, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho hay, theo kết quả giám sát sơ bộ của Ban Đô thị, tại khu vực ven biển phía Đông TP hiện có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động. Nhưng tính đến tháng 6/2018, chỉ mới có 201 giấy phép và công văn thống nhất phương án đấu nối xử lý nước thải (XLNT) được cấp (đạt tỷ lệ 16%).

Quy trình thực hiện cấp phép đấu nối XLNT lại có đến 3 đơn vị liên quan, gồm Công ty Thoát nước & XLNT (xác nhận đấu nối), Sở Xây dựng (cấp phép đấu nối), và Sở GTVT (cấp phép thi công lắp đặt). Về lý thuyết, quy trình này thực hiện trong 13 ngày, nhưng trên thực tế, việc triển khai lại cực kỳ phức tạp. Có 3 đơn vị liên quan đến việc thực hiện cấp phép, nhưng khi kiểm tra thực tế, hỏi đến thì không đơn vị nào chỉ được đã đấu nối ở đâu.

Cùng với đó, việc tuân thủ xử lý bùn, tách mỡ của các nhà hàng chưa đảm bảo. Nguyên nhân của những bất cập này, theo ông Tô Văn Hùng, là do quy định quản lý đấu nối XLNT chưa chặt chẽ, thủ tục cấp phép còn rườm rà. Theo quy định, hiện cơ sở kinh doanh có diện tích dưới 200m2 không cần làm cam kết bảo vệ môi trường. Đây chính là kẽ hở để nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng; và do họ không phải làm cam kết bảo vệ môi trường nên không thể kiểm tra, xử lý.

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, cơ chế phối hợp, hỗ trợ từ cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chưa quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm; năng lực kiểm tra của các sở, ngành, địa phương vẫn còn rất thiếu và yếu. Quá trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè cũng làm che phủ nhiều hố ga, gây khó khăn trong công tác kiểm tra đấu nối.

“Nhằm thu gom, XLNT ven biển, cùng với rất nhiều giải pháp đang được TP triển khai thực hiện thì cần phải kiểm soát được nguồn xả thải. Dù có đầu tư hệ thống thu gom tốt mà nguồn xả thải vẫn không kiểm soát được thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy sau này!” - Ông Tô Văn Hùng nhận định.

Do đó Ban Đô thị kiến nghị TP sớm hoàn chỉnh các quy định liên quan đến công tác quản lý XLNT. Trong đó quy định chi tiết về quy cách hố ga đấu nối xả thải, quy định cụ thể đối với các nhà hàng, quán ăn dưới 200m2 ở khu vực ven biển phía Đông. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và có quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan; triển khai lắp đặt đồng hồ kiểm soát lượng nước thải, và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Du khách nước ngoài đi ngang qua cống nước thải hôi thối trên bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng của Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Thống nhất với kiến nghị của Ban Đô thị HĐND TP về việc cần thiết phải sửa đổi quy định liên quan đến công tác quản lý XLNT, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng nếu quản lý tốt việc đấu nối xả thải thì sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng phải XLNT. Theo ông, việc cấp phép đấu nối chỉ nên quy về một đầu mối là Công ty Thoát nước & XLNT, và Sở Xây dựng chỉ là đơn vị quản lý chung và đi kiểm tra xác suất.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất cần cải tiến gấp việc thu phí XLNT thông qua nước cấp sinh hoạt, vì không đúng với thực tế. Hiện thay vì sử dụng nguồn nước do Công ty Cấp nước Đà Nẵng cung cấp (có đồng hồ đo đếm) thì rất nhiều nhà hàng, khách sạn, resort… sử dụng nước bơm từ các giếng khoan. Mặc dù sau đó họ xả thải rất lớn, nhưng lại không nộp hoặc nộp phí XLNT rất ít vì không có đồng hồ kiểm soát lượng nước thải.

Cùng ngày, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo UBND TP vừa có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, Công ty Thoát nước và XLNT cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, có giải pháp khắc phục ô nhiễm các cửa xả thải tại các bãi tắm dọc tuyến biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp.

Trong đó lưu ý rà soát, bổ sung hệ thống lược rác tự động, van lật tại một số cửa xả (Furama, Mỹ An, Mỹ Khê, An Đồn ...); kiểm tra và có biện pháp khắc phục tình trạng quá tải các trạm bơm nước thải, cần thiết thì bổ sung, thay thế các máy bơm không hiệu quả.

Đồng thời, khắc phục tình trạng xuống cấp tuyến ống GID HDPE D200 chạy dưới vỉa hè phía Đông đường Hoàng Sa; tăng cường công tác vệ sinh, nạo vét các cấu trúc tách dòng và các tuyến cống ven biển phía Đông.

Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nangchi-16-co-so-dich-vu-ven-bien-co-giay-phep-dau-noi-xu-ly-nuoc-thai-post279092.info