Đà Nẵng: Cầu thị và cởi mở lắng nghe cộng đồng khoa học lên tiếng về bán đảo Sơn Trà

Sự kiện 180 nhà khoa học cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia hoạch định chính sách, đại diện các ngành liên quan của Trung ương và TP Đà Nẵng cùng hội ngộ tại Hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà do Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện sinh thái học Miền Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng ngày 15/7 tiếp tục làm nóng lên về vấn đề những giá trị đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên của Bán đảo Sơn Trà.

Vấn đề này không những thu hút sự quan tâm từ những giới khoa học, những tổ chức ngành nghề mà còn thu hút sự quan tâm từ cộng đồng người dân trong cả nước.

Hội thảo thu hút sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.

“Phải trừng trị xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà”

Đó là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ bên lề hội nghị. Ông Nghĩa cho rằng: Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và phải thay đổi cách phát triển du lịch đối với bán đảo Sơn Trà. Các cấp chính quyền đồng thời tăng cường hơn nữa tài lực, vật lực và quy định pháp lý để bảo vệ sơn trà hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn. Việc thu hồi các dự án đã được cấp phép ở bán đảo Sơn Trà là một bài toán khó nhưng phải giải cho bằng được. Cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý và trừng trị nếu sự vi phạm trầm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng bây giờ không hợp lý, không có lợi nữa thì phải cùng nhau tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên.

Chúng ta cần vận động các doanh nghiệp có chịu thiệt hại hãy hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà. Đó là việc làm vì thương hiệu của họ, vì tinh thần yêu nước, vì trách nhiệm xã hội. Nếu làm như vậy, họ sẽ được người dân tăng phần yêu mến. Trước đây đã có những doanh nghiệp hiến đất, hiến tài sản cho xã hội, trong trường hợp này để bảo vệ Sơn trà mà doanh nghiệp thiệt hại thì chính quyền cần làm việc với họ.

Bởi theo ông Nghĩa: Sơn Trà không chỉ để ngó, chỉ để đi qua mà còn khai thác phục vụ mục đích kinh tế nữa. Nhưng phải có yêu cầu đi kèm là bảo vệ di sản đó mới gọi là phát triển bền vững. Sơn Trà là di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu và nếu để mất đi thì không thể tái tạo được. Đồng thời, phát triển bán đảo Sơn Trà phải đi đúng hướng dựa trên cơ sở khoa học, văn hóa để đưa đến đề xuất cuối cùng. Đối với một số di sản thiên nhiên có vai trò đặc biệt như Sơn Trà thì ngoài việc đảm bảo lợi ích người dân tại chỗ còn phải đảm bảo lợi ích cho hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau đối với các thế hệ con cháu.

Phát triển Sơn Trà như thế nào?

Đó là một bài toán không phải dễ đối với Sơn Trà. Nhất là trong tình trạng của Sơn Trà hiện nay bị ảnh hưởng là hệ quả của sự thiếu kiểm soát trong phát triển của Đà Nẵng. Cũng như sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý về du lịch của Đà Nẵng.

Về phía Ban tổ chức hội thảo cũng cho rằng: Để bảo tồn các hệ sinh thái đặc sắc của Bán đảo Sơn Trà, phương thức phát triển như thế nào cho phù hợp đã đang là vấn để được quan tâm của cộng đồng, của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Nếu muốn phát triển du lịch Bán đảo Sơn Trà thì phải dựa vào việc duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này như thế nào? Nguồn tài nguyên thiên nhiên là có giới hạn, những mong muốn và tham vọng quá lớn khi khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch một cách ồ ạt, phá rừng chặt cây, bạt đồi núi, bê tông hóa như hiện nay là đang xâm phạm tính nguyên vẹn thống nhất của một hệ sinh thái từ trên đỉnh núi cao Bán đảo Sơn Trà xuống đến đáy biển ven bờ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển vịnh Đà Nẵng, với rạn san hô và cỏ biển hết sức nhạy cảm.

Theo TS. Hà Thăng Long, bình quân một ngày có gần 1.000 du khách, hướng dẫn viên “đổ bộ” lên Sơn Trà bằng đủ loại phương tiện ôtô, xe máy, xe máy phân khối lớn, xe đạp. Tự nhiên đã chịu tác động không nhỏ từ hành vi của du khách. Tôi luôn ủng hộ phát triển du lịch ở Sơn Trà, nhưng phát triển có kiểm soát, có tổ chức. Cộng đồng dân cư trong vùng phải có cơ hội tham gia làm hướng dẫn viên, vì hơn ai hết, họ hiểu Sơn Trà và yêu quý Sơn Trà. Tạo điều kiện cải thiện đời sống cho chính người dân địa phương sẽ cải thiện được nhiều vấn đề. Cái dễ thấy nhất là tình trạng phá rừng sẽ giảm đi. Và chúng ta có thêm nhiều cánh tay bảo vệ Sơn Trà hữu hiệu.

Sơn Trà là di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu, nếu để mất đi thì không thể tái tạo được.

Đồng thời phải giảm mật độ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, nhất là khu vực bắc bán đảo. Nếu tiếp tục sẽ làm mất môi trường sống của nhiều loài, hệ sinh thái quý hiếm của Khu Bảo tồn Sơn Trà cũng mất đi từ đó.

Phân tích về bán đảo Sơn Trà, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng: Việc cần làm ngay trước mắt là đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ và rất biện chứng. Tôi tin nếu làm được như thế, tự khắc cấp quản lý sẽ có quyết định “Tiếp tục hay không tiếp tục xây dựng trên bán đảo Sơn Trà ?”. Nếu nói về bài học kinh nghiệm cho Sơn Trà, thì đã có bài học rồi đó. Hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch ngay trên bán đảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Các báo cáo, các tham luận đã nói nhiều. Cá nhân tôi tham gia thêm việc này, chúng ta đã có Luật Đa dạng sinh học, Luật có quy định rất rõ về “Quy hoạch xây dựng, phát triển” với “Quy hoạch về Bảo tồn”. Mà nói đến quy hoạch bảo tồn thì đó phải là “Quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học”. Có lẽ chúng ta quên mất điều này. Nếu Đà Nẵng đã có quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học, tôi tin rằng không thể có câu chuyện xây dựng ở độ cao 200m khu vực phía bắc, nơi những quần thể linh trưởng quý đến đó kiếm ăn và sinh sôi.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện cho chính quyền thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định quan điểm của lãnh đạo thành phố: Đà Nẵng đang rà soát lại quy hoạch Sơn Trà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng Sơn Trà sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Từ những ý kiến khách quan, khoa học của Hội thảo, lãnh đạo thành phố sẽ lựa chọn, hoàn thiện và đưa ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn để phát triển bền vững Bán đảo Sơn Trà nói riêng, phát triển bền vững Đà Nẵng nói chung, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hiện nay, ngành chức năng TP đang triển khai rà soát tổng thể Bán đảo Sơn Trà. Trên tinh thần hết sức cầu thị và cởi mở, lãnh đạo TP luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học để đề ra những giải pháp hợp lý, nhằm phát triển bền vững Bán đảo Sơn Trà, phát triển bền vững Đà Nẵng.

Nguyễn Vũ

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/da-nang-ca-u-thi-va-co-i-mo-lang-nghe-cong-dong-khoa-hoc-len-tieng-ve-ban-dao-son-tra.html