Đà Nẵng: Biểu tượng chiến thắng Covid-19

Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc kiểm soát Covid-19.

Bệnh viện dã chiến thành phố đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn (TP Đà Nẵng)

Bệnh viện dã chiến thành phố đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn (TP Đà Nẵng)

Đà Nẵng chính là biểu tượng của chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam…

Những ngày tháng không quên

Giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến thành phố

Ngày 25/7/2020 là ngày không thể nào quên đối với người dân Đà Nẵng. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát với mức độ lây lan rộng, quy mô lớn và thiệt hại nặng nề hơn.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đối mặt với đợt dịch bệnh khủng khiếp đến thế. 3 bệnh viện lớn và các khu dân cư lân cận đã bị phong tỏa, cách ly y tế hoàn toàn. Học sinh, sinh viên tạm dừng việc đến trường.

Thành phố cũng thành lập 2 bệnh viện dã chiến. Đó là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang) và Bệnh viện dã chiến thành phố (đặt ở Cung thể thao Tiên Sơn).

Bộ Y tế thành lập “đội đặc nhiệm” với tên gọi Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Từ đây, các chuyên gia y tế hàng đầu tại các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng nhiều y, bác sĩ của TP Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An… lần lượt về Đà Nẵng để giúp TP chống dịch. “Cuộc chiến” chống Covid-19 bắt đầu vào thời điểm gam go, quyết liệt, vì có ngày thành phố ghi nhận hơn 30 ca nhiễm bệnh.

Lực lượng quân đội được huy động vào cuộc để phun thuốc sát khuẩn ở khắp các khu vực có nguy cơ lây nhiễm và đã xảy ra lây nhiễm. Đây là lần đầu tiên, các quận, huyện được phun thuốc sát khuẩn trên diện rộng với hàng chục tuyến phố lớn nhỏ.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Đà Nẵng phát phiếu đi chợ cho người dân. Đây là giải pháp được đánh giá là hữu hiệu nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu của mọi người.

“Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thời điểm cuối năm, nhu cầu người Việt Nam trở về từ các nước rất lớn. Các đoàn nước ngoài đến trao đổi, làm việc với các đối tác Việt Nam nhiều. Nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp... Đó là các nguy cơ hiện hữu có thể dẫn tới bùng phát dịch. Chúng ta phải nỗ lực rất lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Phải xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên quan trọng hàng đầu”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Kỳ thi THPT chưa từng có trong “lịch sử”

Bệnh viện dã chiến đặt ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang

Trong gần 1 tháng, hàng loạt biện pháp được đưa ra, Đà Nẵng dần “lấy lại thế trận”. Đến ngày 20/8, “đội đặc nhiệm” đã thông tin rằng, dịch bước đầu được kiểm soát. Theo Thứ trưởng Sơn, về cơ bản Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị… Nhưng ông vẫn đưa ra khuyến cáo, chính quyền và nhân dân TP không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 21/8, lãnh đạo Bộ phận thường trực được Bộ Y tế rút về Hà Nội, chính thức rời tâm dịch Đà Nẵng sau 20 ngày “xung trận”.

Dịch bệnh được kiểm soát, thành phố dần nới lỏng giãn cách xã hội. Cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu.

Một điều đáng nhớ trong đợt dịch lần này chính là việc đảm bảo an toàn và tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2. Trước đó, qua trao đổi với Bộ GD&ĐT, Đà Nẵng đã “chốt” được lịch thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào ngày 3 và 4/9.

Để bảo đảm an toàn cho thí sinh, Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết tổ chức cho kỳ thi THPT năm 2020 đợt 2, theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Hàng chục điểm thi được Đà Nẵng thành lập trên địa bàn thành phố. Điều đặc biệt, thành phố cũng lập một điểm thi chuyên biệt tại Trường THPT Võ Chí Công để dành cho các thí sinh thuộc diện F1, F2. Cán bộ, thí sinh, người làm công tác trong kỳ thi được trang bị bảo hộ kỹ càng.

Ngày 3 - 4/9, hơn 15.000 học sinh tại 27 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hơn 10.000 học sinh THPT của Đà Nẵng đã bước vào Kỳ thi THPT đợt 2 “lịch sử”.

Và rồi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 đã được tổ chức thành công và đạt được kết quả tích cực. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của TP Đà Nẵng đạt 98,33 %, trong khi tỷ lệ này năm 2019 là 90,44%.

“Chiến lược” dập dịch Covid-19

Chốt kiểm soát dịch được đặt tại các cửa ngõ ra vào thành phố Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 7

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Đà Nẵng đã cương quyết và thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc thực hiện cách ly tập trung bắt buộc F1. Trong một tháng chống dịch, Đà Nẵng đã huy động, tận dụng mọi nguồn lực cả ở thành phố cũng như các quận, huyện để tổ chức cách ly tập trung 11.621 trường hợp F1. Trong đó, đã phát hiện được hàng trăm ca bệnh dương tính từ những trường hợp F1…”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng vạn tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4.434 tổ.

Lực lượng quân đội Quân khu 5 phun hóa chất khử khuẩn tại quận Sơn Trà

“Số lượng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 30 nghìn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ Covid-19 cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch”, PGS.TS Trần Như Dương thông tin.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng như kiểm soát thành công đợt tái bùng phát trong cộng đồng vào tháng 7 - 8. Đà Nẵng trở thành biểu tượng của chiến thắng dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Trao quyết định hết cách ly y tế và phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng.

Ông Kidong Park cho biết, cá nhân ông vô cùng hạnh phúc lại được quay trở lại Đà Nẵng, một thành phố rất an toàn và bình yên và đã trở thành biểu tượng chiến thắng Covid-19 ở Việt Nam. Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng trở lại.

“Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với các yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng và sự bùng phát dịch trở lại. Mặc dù, chúng ta đang tận hưởng hàng chục ngày không có ca lây trong cộng đồng, nhưng Việt Nam vẫn có thêm 300 ca bệnh phát hiện sau nhập cảnh. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu như chúng ta đã thấy ở các ca bệnh khởi phát số 1, số 17, số 416”, ông Park nói.

Theo ông Kidong Park, Việt Nam đang cố gắng sống chung an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Các cơ sở y tế cần cố gắng phát hiện sớm các ca bệnh mới, để có thể kịp thời ứng phó. WHO cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác ứng phó đại dịch Covid-19.

“Về kinh tế, tuy có giảm sút lớn, tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng tạm thời, phụ thuộc vào sự gián đoạn của nhu cầu và các khả năng cung ứng do biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các cơ sở hạ tầng, nền tảng sản xuất và dịch vụ vẫn còn nguyên. Khi có điều kiện khống chế được dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, tôi nghĩ rằng tăng trưởng sẽ khôi phục. Chúng ta cũng cần tìm các phương cách cấu trúc nền kinh tế thích ứng tốt hơn, bền vững hơn trong những điều kiện khủng hoảng. Đà Nẵng đã thực hiện khá tốt mục tiêu kép trong năm 2020: Vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể. Một số ngành, lĩnh vực quan trọng vẫn tăng trưởng khá như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, nông nghiệp… Thu ngân sách đạt hơn 70%” - Ông Huỳnh Đức Thơ – nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp HĐND cuối năm 2020.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/da-nang-bieu-tuong-chien-thang-covid-19-OR6xP3xGR.html