Đà Nẵng: 2 nhà máy thép bị xử phạt 1,14 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng

Công ty CP Thép Dana Úc và Công ty CP Thép Dana Ý phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,14 tỷ đồng; đồng thời, bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Xử phạt nặng 2 nhà máy thép

UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC và 5586/QĐ-XPVPHC về việc xử lý 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý vì những sai phạm, thiếu sót.

TP. Đà Nẵng xử phạt 2 nhà máy thép dựa trên công bố kết quả thanh tra của Thanh tra thành phố

Quyết định này dựa trên mức độ sai phạm theo như công bố kết luận của Thanh tra thành phố Đà Nẵng về việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý môi trường tại hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo đó, Công ty CP Thép Dana-Úc bị phạt tổng cộng 740 triệu đồng vì thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án đầu tư Nhà máy thép Xuân Hưng; không lập lại báo cáo ĐTM của dự án nói trên; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) của dự án theo quy định; không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng của dự án.

Đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty CP Thép Dana-Úc tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng trong 6 tháng để khắc phục vi phạm không lập lại báo cáo ĐTM của dự án; buộc công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Đối với Công ty CP Thép Dana-Ý, UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt tổng cộng 400 triệu đồng vì thực hiện không đúng nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án Đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) của dự án nói trên; không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng của dự án.

Công ty CP Thép Dana-Ý tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng cũng bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong 6 tháng để khắc phục vi phạm không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; buộc công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 6 tháng.

Ngoài ra, cả 2 công ty phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, trình cơ quan đã phê duyệt báo cáo ĐTM kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình trong thời hạn 6 tháng.

2 nhà máy thép phải khắc phục các vấn đề môi trường trong 6 tháng (ảnh: Ngăn cách giữa nhà máy thép Dana Úc và nhà dân chỉ bằng 1 bức tường bằng tôn mỏng).

Theo kết luận của thanh tra thành phố Đà Nẵng hôm ngày 6/10 mới đây liên quan đến những sai phạm tại 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý thì lỗi thuộc về cả doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng. Trong đó, chỉ rõ nhiều sai phạm trong quy trình quy hoạch cụm công nghiệp, sai phạm trong việc cấp đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường (ĐTM)...có liên quan đến nhiều sở ngành và lãnh đạo UBND thành phố. Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng mới công bố hình thức và mức độ xử phạt mà 2 nhà máy thép phải chấp hành, chứ chưa công bố hình thức xử lý những Sở, ngành, cá nhân là lãnh đạo của TP. Đà Nẵng liên quan trong những vi phạm trên. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng chưa có câu trả lời cho Công ty CP Thép Dana Ý liên quan đến kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, mà Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn và đề nghị chính quyền thành phố giải quyết và báo cáo. UBND TP Đà Nẵng cũng chưa đưa ra được phương án cuối cùng liên quan đến số phận 2 nhà máy thép, trong trường hợp 2 nhà máy khắc phục được các vi phạm trong thời điểm 6 tháng tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp lên tiếng

Liên lạc với lãnh đạo Công ty CP Thép Dana Ý, Chủ tịch HĐQT Công ty - Ông Huỳnh Văn Tân bức xúc “Việc TP. Đà Nẵng ban hành các Quyết định hành chính, đặc biệt là Quyết định 5585/QĐ-XPVPHC ngày 22/11/2018 đã gây ra từ sai lầm này nối tiếp sai lầm khác, đẩy doanh nghiệp vào đường cùng, bức tử doanh nghiệp; đẩy gần 1.000 lao động vào cảnh thất nghiệp.”

Ông Huỳnh Văn Tân khẳng định hoạt động đầu tư dự án nhà máy thép Dana Ý là hoàn toàn hợp pháp theo sự kêu gọi và cấp phép đầu tư của UBND TP Đà Nẵng. Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của công ty được đầu tư và hoạt động tốt. Kết quả quan trắc định kỳ công ty thu được nằm trong tiêu chuẩn cho phép đối với hoạt động sản xuất theo theo quy định của pháp luật. TP. Đà Nẵng đã không thực hiện tốt quy hoach, giải tỏa người dân ra khỏi cụm công nghiệp nên mới xảy ra việc người dân chịu ảnh hưởng.

Ông Huỳnh Văn Tân cho rằng lỗi do quy hoạch và thực hiện không tốt quy hoạch của thành phố, doanh nghiệp trở thành nạn nhân phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng về uy tín và tài sản

“Năm 2006, Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý chuyển nhà máy từ KCN Hòa Khánh về Cụm công nghiệp Thanh Vinh là do Thành phố Đà Nẵng tự bố trí vị trí (có bút tích của cựu Chủ tịch Thành phố ông Trần Văn Minh) và Công ty buộc phải thực hiện. Tiếp đó, việc không thực hiện cam kết giải tỏa dân ra khỏi Cụm công nghiệp Thanh Vinh là lỗi của thành phố. Hơn nữa, việc tiếp tục cấp đất cho người dân và để họ làm nhà càng ngày càng tiến sát nhà máy là lỗi của cơ quan cấp phép..”, ông Tân nói đồng thời cho rằng, Thành phố cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với người dân và doanh nghiệp, có sai thì phải sửa, quy hoạch không đúng thì điều chỉnh quy hoạch (di dời dân hoặc di dời nhà máy). Thế nhưng, cách giải quyết của Thành phố trong thời gian vừa qua lại là đẩy toàn bộ trách nhiệm cho doanh nghiệp..

Từ tháng 2/2018 đến nay TP. Đà Nẵng nhiều lần ban hành các văn bản hành chính liên quan đến công ty nhưng hoàn toàn chưa đưa ra được phương án giải quyết vụ việc.

Ngày 23/3/2018, UBND TP ban hành Thông báo số 30/TB-UBND khôi phục hoạt động của nhà máy với lý do nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng thêm 6 tháng để giải quyết hàng hóa tồn đọng và đến này 26/9/2018 sẽ chấm dứt hoạt động.

Tuy vậy, đến hết 6 tháng, UBND TP. Đà Nẵng lại không có câu trả lời về phương án xử lý vụ việc; cũng như không công bố kết quả quan trắc môi trường nhà máy, dù nhiều đoàn làm việc của thành phố đã đến đo đạc, quan trắc.

Sau ngày 26/9, công ty tiếp tục tạm dừng hoạt động, nhưng đến thời điểm hiện tại đã qua 2 tháng UBND thành phố vẫn không có hành động hay phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục để xảy ra vụ việc người dân bao vây trái phép nhà máy, gât thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Ông Tân cho biết dù đã có văn bản giải trình với Thanh tra thành phố là các vi phạm “hoàn toàn không thuộc lỗi của doanh nghiệp”, nhưng TP. Đà Nẵng vẫn ban hành quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC xử phạt công ty, trong đó, nghiêm trọng nhất là buộc tạm dừng hoạt động 6 tháng tiếp theo.

Vũ Lê - Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-2-nha-may-thep-bi-xu-phat-114-ty-dong-dinh-chi-hoat-dong-6-thang-112263.html