Đã 'mở cửa' bầu trời sao còn phải thí điểm đón du khách quốc tế?

Ngày đầu năm mới, 1-1-2022, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên chở khách đến Việt Nam vận hành, bầu trời được 'mở cửa' trở lại sau gần 2 năm phải tạm dừng vì đại dịch.

Sự kiện này mang lại niềm hy vọng cho ngành công nghiệp không khói, vốn đang phải “chạy ECMO” vì Covid-19 như lời một doanh nhân nói trong một tọa đàm gần đây, nhưng lại chưa thể mang đến một thị trường thực sự rộng lớn cho du lịch.

Theo quy định hiện nay, du lịch chưa được phép đón khách từ tất cả các chuyến bay quốc tế mà chỉ được đón theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, vốn rất giới hạn về địa điểm tiếp nhận khách cũng như số lượng doanh nghiệp.

Về doanh nghiệp, chỉ những công ty được địa phương cho phép tham gia chương trình thí điểm thì mới có thể thực hiện dịch vụ. Về điểm đến, hiện mới chỉ có 5 địa phương, gồm Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang (Phú Quốc), Quảng Ninh và Đà Nẵng là được phép đón khách.

Quy định trên khiến các công ty du lịch chưa thể chào bán tour rộng rãi cho khách quốc tế đến bằng các đường bay thương mại thường lệ vì đâu phải khách hạ cánh tại sân bay nào là doanh nghiệp cũng có thể tiếp đón.

Thêm nữa, nếu du khách muốn nối tour sang địa phương khác sau khi đi tour khép kín tại điểm đến đầu tiên thì cũng rất khó khăn vì theo quy định những người này chỉ được đến những nơi tham gia chương trình thí điểm, tức hiện tại chỉ được đi loanh quanh ở 5 địa phương trên.

Trong báo cáo sơ kết triển khai chương trình thí điểm gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã kiến nghị được triển khai sớm giai đoạn 2 của chương trình thí điểm; mở rộng đường đón du khách, không chỉ là từ các chuyến bay thuê chuyến như hiện tại mà còn là từ các chuyến bay quốc tế thường lệ và cả đường bộ lẫn đường biển.

Thêm vào đó là bổ sung Bình Định và TPHCM vào danh sách các địa phương được tham gia chương trình thí điểm.

Nếu được chấp thuận, những kiến nghị trên sẽ nới cánh cửa đón du khách quốc tế rộng thêm một chút nhưng vẫn chưa đủ rộng để du lịch có thị trường lớn vì số lượng điểm đến vẫn rất hạn chế.

Có những ý kiến cho rằng, sự dè dặt này là cần thiết để ngăn dịch, đặc biệt là trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan mạnh mẽ tại nhiều nước cũng như bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam trong vài ngày gần đây.

Thế nhưng, thị trường lại có tiếng nói riêng, như nhiều người đã nhận định, là nếu mở cửa mà “mở he hé” thì khách chẳng muốn vào và không đem lại hiệu quả hồi phục là bao cho ngành công nghiệp không khói.

Hiện nay, hệ thống y tế đã được cải thiện, rất nhiều người dân đã biết xử lý khi nhiễm bệnh, số lượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên cả nước đã rất cao, lên đến hơn 150 triệu mũi (tính đến hôm nay 31-12).

Thêm vào đó, du lịch cũng có những quy định chặt chẽ như yêu cầu khách phải có hộ chiếu vaccine, xét nghiệm trước chuyến đi, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 50.000 đô la Mỹ…

Thiết nghĩ, với những điều kiện này, “nỗi sợ Omicron” có cơ sở để dịu đi, giúp nhà chức trách có thể tự tin hơn nhằm mở cho thông thoáng.

Nếu không thì những nỗ lực đem thị trường đến cho doanh nghiệp không thể mang lại kết quả lớn như mong đợi, như ý kiến của nhiều doanh nhân và chuyên gia trong hội thảo về du lịch do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Nghệ An tổ chức vài ngày trước.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-mo-cua-bau-troi-sao-con-phai-thi-diem-don-du-khach-quoc-te/