Đã mắc sai phạm phải biết hối cải

Trong lịch sử Việt Nam chưa thấy ghi chép một người thầy nào ăn hối lộ bị bắt và đem ra xét xử cả. Thật buồn lòng vì giờ đây lại có nhiều thầy, cô vướng vòng lao lý vì tiêu cực, tham nhũng. Vậy nên đã dấn thân vào nghề giáo mà còn muốn làm giàu thì hãy tìm nghề khác, chứ tâm mà không tốt thì sớm muộn gì tay cũng nhúng chàm!

Trong phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 - 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo thí của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình - Phó Trưởng Ban chấm thi đã có một phát ngôn “ấn tượng” ở cuối phần trả lời thẩm vấn: “Kỳ thi tốt nghiệp năm đó có nhiều trường hợp được nâng điểm. Bị cáo không làm theo sẽ khó vì ai cũng gù nếu mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

Câu nói đó khiến chúng ta giật mình, vì nó phát ra từ miệng của một cán bộ quản lý giáo dục và đã từng là giáo viên. Đừng vội trách riêng ngành Giáo dục, khi mà “gù lưng” để hưởng lợi, “gù lưng” để tiến nhanh không phải là hiếm trong xã hội hiện nay.

Theo dõi những vụ đại án được xét xử trong thời gian qua, chúng ta sẽ thấy ngay, trong những sai phạm luôn có sự thúc đẩy bởi nhiều cá nhân ở các cơ quan nhà nước và sự nhúng tay của những người có chức, có quyền tại địa phương.

Những tiêu cực trong các kỳ thi cử đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành Giáo dục. Trong ảnh: Một giờ lên lớp của cô và trò (ảnh có tính chất minh họa).

Những tiêu cực trong các kỳ thi cử đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành Giáo dục. Trong ảnh: Một giờ lên lớp của cô và trò (ảnh có tính chất minh họa).

Trong những vụ án này, nhân phẩm, đạo đức nghề nghiệp, giá trị của con người đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu; lợi ích vật chất, chức vụ, vị trí, thăng tiến và các mối quan hệ đã được đẩy lên hàng đầu nên tất yếu dẫn tới hệ quả “Quỳ thì cứ tiến như bay/ Đứng mà trung thực quỵ ngay cuối hàng”. Tuy nhiên, không thể lấy hoàn cảnh để biện minh, mong chờ thông cảm cho sự yếu hèn, sai trái của bản thân.

Ngoài phát ngôn “ấn tượng” của bà cựu Trưởng phòng Khảo thí tỉnh Hòa Bình, một hình ảnh gây bức xúc cho nhiều người là khi các bị cáo bước ra khỏi phòng xử án với nụ cười hớn hở, không hề có một chút mặc cảm, ân hận. “Nhân vô thập toàn”, là con người không ai dám vỗ ngực xưng rằng mình là người hoàn thiện, chưa bao giờ gây ra lầm lỗi. Điều quan trọng là ta biết nhìn ra những khuyết điểm, những sai phạm của mình, ăn năn, hối cải và thực tâm sửa đổi mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng những người đã từng là thầy cô giáo, họ nghĩ gì khi tay vẫn còn đeo còng số 8 nhưng mặt vẫn tươi cười, vẫy tay như người thắng trận. Phải chăng, họ cho rằng, lâu nay ai cũng làm vậy, không riêng gì họ, chẳng qua là do vận hạn, do sơ suất mà thôi? Phải chăng những cái xấu mà họ đã làm và đang bị xét xử là chuyện bình thường, có thể phải chịu vài năm tù là cùng? Nhưng điều đáng sợ nhất mà chúng ta đều cảm nhận được là ở trong thâm tâm họ, ấy là họ không còn thấy xấu hổ và không sợ mất danh dự. Họ nghĩ gì khi những học sinh thân yêu của mình nhìn thấy cảnh này?

Trong lịch sử Việt Nam chưa thấy ghi chép một người thầy nào ăn hối lộ bị bắt và đem ra xét xử cả. Thật buồn lòng vì giờ đây lại có nhiều thầy, cô vướng vòng lao lý vì tiêu cực, tham nhũng. Vậy nên đã dấn thân vào nghề giáo mà còn muốn làm giàu thì hãy tìm nghề khác, chứ tâm mà không tốt thì sớm muộn gì tay cũng nhúng chàm!

Đừng bao giờ quên lời tuyên ngôn nổi tiếng của Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela được viết tại cổng trường Đại học Nam Phi: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của bác sĩ của nền giáo dục đó. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó và sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Như vậy, về tầm nghiêm trọng và cấp độ nguy hiểm thì gian lận thi cử chính là nguy cơ mất nước. Khi những người yếu kém là con em những cán bộ đương chức được bí mật gian lận điểm thi để rồi sau đó được tuyển lựa vào bộ máy công quyền, thì đó là những kẻ sẽ làm cho Nhà nước mau chóng sụp đổ.

Sự vấp ngã của ngành Giáo dục vừa qua sẽ là bài học vô cùng đắt giá mà ngay bây giờ sẽ phải chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ để mãi mãi về sau sẽ không còn một vết đen nào để lại trong các kỳ thi. Đó là mục tiêu và mệnh lệnh mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Giáo dục. Nếu có một môi trường "Sống ở chốn thẳng ngay, ai khom lưng sẽ là người dị dạng" thì đó là phúc của non sông!

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/da-mac-sai-pham-phai-biet-hoi-cai-595746/