Đã 'lộ' 3 triệu USD Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ được cất giấu, 'xoay' bẩn... thành sạch?

Toàn bộ số tiền 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình và dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Ngày 19/10, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông) và 13 bị can liên quan thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG. Theo đó, ngoài bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự, ông Nguyễn Bắc Son còn bị truy tố thêm tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, cáo trạng đã hé lộ số tiền 3 triệu USD ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ được cất giấu, xoay bẩn thành sạch như thế nào.

Theo đó, cáo trạng nêu rõ, sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, đáp ứng được mong muốn của Nguyễn Bắc Son và Phạm Nhật Vũ nên Vũ đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD.

 Ông Nguyễn Bắc Son.

Ông Nguyễn Bắc Son.

Ông Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.

Toàn bộ số tiền 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình, khi đưa tiền Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Nguyễn Bắc Son nhận thức lý do ông Phạm Nhật Vũ đưa tiền vì Son là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án mua cổ phần của AVG. Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã nhận của Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone số tiền 200 triệu đồng dịp 30-4-2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone dịp Tết âm lịch năm 2016.

Trước đó, trong bản kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG thể hiện, sau khi ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son đưa 3 triệu USD, ông Son đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Số tiền được chia ra 10 lần đưa, mỗi lần 300.000 USD đến 400.000 USD.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Huyền thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Bà Huyền khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà Huyền vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.

Trong bản kết luận điều tra, cơ quan công an xác định căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai những người liên quan chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc bà Huyền nhận và sử dụng tiền của ông Nguyễn Bắc Son. Do vậy, "không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với bà Huyền”.

Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu con gái ông Son được làm rõ đã nhận tiền của ông Son và không được gửi tiết kiệm mà đem đi đầu tư như lời ông Son trong bản cáo trạng đề cập thì con gái ông Son có phạm tội rửa tiền.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra cho rằng họ đã điều tra, xác minh nhưng không đủ căn cứ để khởi tố con gái ông Son với vai trò đồng phạm hoặc về tội danh khác, chưa có chứng cứ gì chứng minh người này nhận tiền do phạm tội mà có nên không đề cập hình thức xử lý hình sự.

“Về nguyên tắc, số tiền do phạm tội mà có là vật chứng của vụ án hình sự nên phải thu hồi để sung công quỹ nhà nước hoặc trả lại cho người bị hại trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nếu vật chứng vụ án không còn, không xác định được vật chứng vụ án, không thu giữ được thì sẽ không giải quyết được triệt để phần dân sự trong vụ án hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, những người khác (ngoài các bị can) thì họ phải có trách nhiệm nếu như bị xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - người được hưởng lợi tài sản do phạm tội mà có, đang quản lý tài sản do phạm tội mà có, những người đó phải có trách nhiệm trả lại tài sản.

Tuy nhiên, những người đó là ai thì trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, nếu không chứng minh được người nào đó đang quản lý, nắm giữ tài sản do phạm tội mà có thì không thể đề cập xử lý được.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/da-lo-3-trieu-usd-nguyen-bac-son-nhan-hoi-lo-duoc-cat-giau-xoay-ban-thanh-sach-1291919.html