Đà Lạt xây dựng 'Làng đô thị xanh'

Cùng với mô hình người dân được chia sẻ thành quả phát triển ở 10 phân khu quy hoạch dọc sông Sài Gòn (thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) mà Báo SGGP đã có dịp đề cập cuối năm 2018, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng đang triển khai xây dựng 'Làng đô thị xanh'.

 TP Đà Lạt xây dựng thí điểm “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ

TP Đà Lạt xây dựng thí điểm “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ

Người dân sinh sống tại đây cũng được thụ hưởng thành quả phát triển của quê hương mình. Theo nhiều chuyên gia quy hoạch của Bộ Xây dựng, đây là mô hình đã được nhiều quốc gia áp dụng rất thành công tại các khu ven đô và Việt Nam sẽ học hỏi nhiều từ mô hình này. Tại đây, không những người dân hưởng lợi mà thành phố cũng có cơ hội giữ lại nét văn hóa và lối kiến trúc truyền thống của mình. Vậy đề án “Làng đô thị xanh” sẽ được triển khai như thế nào? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, về nội dung này.

Mô hình kết hợp

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, “Làng đô thị xanh” tại TP Đà Lạt được hiểu là mô hình như thế nào?

Ông LÊ QUANG TRUNG: Làng đô thị xanh lần đầu được đề cập đến trong quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ý tưởng này do tư vấn của Pháp đề xuất. Làng đô thị là mô hình khu nhà ở, kết hợp với sản xuất, kinh doanh; đặc biệt sẽ lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng xã Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng được đầu tư theo kiểu đô thị. Từ ý tưởng này, tỉnh Lâm Đồng đề xuất thực hiện làng đô thị phát triển xanh, đặt yếu tố bền vững vào mô hình; trong đó phát triển tập trung không gian xanh, môi trường xanh, sản xuất xanh và văn hóa xanh. TP Đà Lạt sẽ xây dựng thí điểm “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ để làm cơ sở nhân rộng mô hình này trên địa bàn TP Đà Lạt, chủ yếu tại các khu vực ven, nằm giữa các đô thị truyền thống và đô thị vệ tinh. Theo quy hoạch, đô thị TP Đà Lạt là hạt nhân và đô thị vệ tinh ở các địa danh gồm: D’Ran, Thạnh Mỹ - Phinom, Đức Trọng, Nam Ban, Lạc Dương. Mỗi đô thị vệ tinh có một chức năng để chia sẻ cho đô thị truyền thống, khoảng giữa của đô thị truyền thống và đô thị vệ tinh sẽ định hình các làng đô thị.

Mục tiêu cụ thể khi triển khai đề án “Làng đô thị xanh” là gì?

Đề án tập trung vào 4 nhóm mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, đề xuất mô hình tổ chức quản lý hành chính trên cơ sở quy mô diện tích tự nhiên, dân số, dự báo về cơ cấu và trình độ kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị. Dự kiến đề xuất mô hình tổ chức quản lý hành chính phù hợp theo hướng không nặng về hành chính nhưng tăng cường tính tự quản của cộng đồng, dòng họ thông qua hương ước, quy ước.
Thứ hai, về tổ chức mô hình cư trú, lưu trú của người dân và du khách sẽ nghiên cứu, đề xuất mô hình không gian ở kết hợp các hoạt động dịch vụ du lịch như: tham quan, lưu trú theo các loại hình du lịch canh nông, homestay… Đề xuất thí điểm các tiêu chuẩn tiện ích của “làng” tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân hiện nay. Định hướng đến năm 2030 phải sắp xếp, tổ chức không gian ở cho khoảng 1.500 - 2.500 dân (trong đó 1.000 - 1.500 dân định cư và khoảng 500 - 1.000 dân quy đổi từ khách du lịch); các hộ dân đang sinh sống trong khu vực làng (180ha) và người dân có nhu cầu sinh sống, kinh doanh dịch vụ du lịch vào khu vực làng. Chỉnh trang các khu vực ở hiện trạng, đề xuất các khu ở mới theo dạng kiến trúc nhà ở biệt lập (diện tích lô đất 300 - 400m2) có mái dốc kiểu chữ A và nhà vườn; tầng cao tối đa 3 tầng; mật độ xây dựng trong từng lô đất từ 30% - 40%, kiến trúc và hạ tầng đồng bộ. Áp dụng các giải pháp công trình xanh và ứng dụng vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường.

Thứ ba, về tổ chức sản xuất nông nghiệp và khai thác du lịch áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, từng bước hướng đến nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với khu dịch vụ xử lý sau thu hoạch, tổ chức phân phối và tiêu thụ sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của địa phương.
Thứ tư, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đầu tư, kết nối và vận hành đồng bộ; đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, giáo dục và vui chơi giải trí của dân cư trong làng và của khu vực lân cận. Xác định mục tiêu xây dựng “Làng đô thị xanh” là một phân khu đặc trưng của đô thị, có quy mô hợp lý và kết cấu phức hợp của một đô thị, phát huy tối đa các ưu điểm và tiềm lực của địa phương, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là phát triển nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp và nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp gắn với điều kiện văn hóa bản địa nhằm nâng cao đời sống người dân, kết hợp khai thác du lịch canh nông (sinh thái) - đặc điểm chính để hình thành mô hình “Làng đô thị xanh”. Đồng thời, xây dựng làng hội đủ các đặc điểm sinh hoạt mang tính đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Nhiều nguồn kinh phí xây dựng

Đề án sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Nhà nước tổ chức lập đề án, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, các công trình dịch vụ công cộng; xây dựng danh mục thu hút đầu tư hạ tầng khu dân cư, nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ ở, sản xuất và khai thác du lịch. Đơn vị thực hiện đề án tổ chức quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, nghiệm thu, bàn giao lại cho UBND xã Xuân Thọ quản lý vận hành. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án khoảng 943,40 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lập đề án và lập quy hoạch 1,6 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác 91,02 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng 606,78 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 244 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác (ODA, viện trợ quốc tế, của nhà đầu tư, đóng góp của người dân...). Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước sử dụng vào việc lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống khung về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho làng; xây dựng nhà điều hành trung tâm của làng và một số công trình công cộng thiết yếu. Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách áp dụng chính sách xã hội hóa các nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình dịch vụ phục vụ khu ở và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Huy động các nguồn vốn vay, vốn tài trợ từ các tổ chức trong nước. Lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1: Lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Đầu tư xây dựng khu nhà điều hành trung tâm (Sở Xây dựng làm chủ đầu tư). Giai đoạn 2 chuẩn bị đầu tư: Xây dựng cơ chế chính sách và thu hút đầu tư, giao UBND TP Đà Lạt chủ trì thực hiện, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Thưa ông, xã Xuân Thọ nhiều đồi dốc, cư dân sống không tập trung, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nhiều… vậy có hấp dẫn nhà đầu tư?

Quá trình thực hiện đề án, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra một số giải pháp để thu hút nhà đầu tư như chính sách về đất đai; chính quyền thực hiện quy hoạch, tổ chức giải phóng mặt bằng để các tổ chức, cá nhân trong làng tham gia đầu tư các công trình công cộng; hỗ trợ tổ chức giải phóng mặt bằng để đầu tư các công trình dịch vụ, sản xuất, kinh doanh du lịch. Cho phép khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của làng. Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất tại “Làng đô thị xanh” áp dụng theo cơ chế đặc thù quy định tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách về thuế: Các doanh nghiệp, người dân đầu tư theo danh mục kêu gọi đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành; miễn thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ về xử lý môi trường, vật liệu xây dựng có công nghệ chế tạo tiên tiến chưa sản xuất tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ. Ưu tiên kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước có năng lực tài chính và kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động nông nghiệp, phát triển đô thị - nông thôn.

Tỉnh Lâm Đồng đã xúc tiến triển khai đề án từ gần 3 năm trước, đến nay đã có nhà đầu tư nào tham gia?

Sau khi tỉnh Lâm Đồng có chủ trương thực hiện đề án, nhiều nhà đầu tư đã trực tiếp đến TP Đà Lạt khảo sát và đánh giá hiệu quả đầu tư. Hiện đề án đang trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 và thiết kế đô thị.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về chủ thể, đối tượng thụ hưởng của đề án, trước hết là nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án. Quá trình thực hiện đề án phải nghiên cứu bố trí khu vực sản xuất của nhân dân phù hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các công nghệ chế biến sau thu hoạch, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, sản xuất gắn với mô hình du lịch canh nông; sản xuất hàng hóa theo hướng thích hợp, gắn kết các hộ gia đình trong làng theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc hình thức kinh tế tập thể hiện đại...

Hiện địa phương đang triển khai tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về lợi ích mà đề án “Làng đô thị xanh” mang lại; đồng thời đảm bảo các yếu tố như không để phá vỡ quy hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất trong khu vực vượt qua con số thực. Về cơ bản nhân dân địa phương đã được tuyên truyền và có nhận thức cũng như ủng hộ cao khi nắm được những thông tin liên quan.

ĐOÀN KIÊN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/da-lat-xay-dung-lang-do-thi-xanh-575087.html