Đá lát vỉa hè xuống cấp: Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?

Trước thực trạng vỉa hè ở nhiều quận tại Hà Nội vừa lát xong đã xuống cấp dù được giới thiệu có độ bền 50-70 năm, mới đây đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đã có ý kiến phản hồi với báo chí vấn đề này.

Tuổi thọ 70 năm, nhưng chỉ “sống” 2 năm

Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến hết năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến phố tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm hoặc gạch bê tông.

Tuy nhiên thực tế lại không như mong đợi, dù được quảng cáo là đá tự nhiên, có độ bền lên đến 70 năm nhưng chỉ sau 1- 2 năm sử dụng, nhiều đoạn vỉa hè đã bắt đầu xuất hiện tình trạng vỡ nát, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV báo Sức khỏe&Đời sống, vỉa hè tại đường Trung Kính đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún, xô lệch, thậm chí nơi đá bị bong tróc lên cả mảng, để lại thành hố to như ổ voi, gây cản trở, nguy hiểm cho người đi bộ.

Theo một người dân sống tại phố Trung Kính cho biết: Vỉa hè ở đây mới được đưa vào sử dụng vài năm nhưng đá lát đã có nơi bập bênh, có chỗ đá còn bị bong, tróc thành từng mảng, nhìn rất nhếch nhác, mất mỹ quan. Đáng nói, dù xuống cấp như vậy nhưng đến nay vẫn không thấy ai quan tâm, vá víu...

Tiếp đó là tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), vỉa hè lát đá cũng xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt đoạn gần đoạn giao cắt với phố Hoàng Đạo Thúy.

Vỉa hè ở đây giống công trình đang thi công hơn là vỉa hè dành cho người đi bộ. Những viên đá lát bong ra, để lộ lớp nền bê tông vừa gây mất mỹ quan đô thị lại gây khó khăn, cản trở cho người dân đi lại trên vỉa hè.

Tại các phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi… tình trạng tương tự cũng xuất hiện với nhiều nơi đá vỡ tung tóe, bong tróc thành từng lớp, mảng tạo thành "ổ voi", "ổ gà"...

Vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội bị bong tróc các lớp đá lát.

Vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội bị bong tróc các lớp đá lát.

Sở xây dựng: trách nhiệm chính thuộc về quận

Nói về thực trạng trên, một lãnh đạo phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết: Thành phố giao cho Ban Quản lý Dự án các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình.

Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện. Trong đó, Phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát hè trên địa bàn quận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định.

Cũng theo vị lãnh đạo này, quá trình quản lý chất lượng thi công vỉa hè còn có sự tham gia của Thanh tra Sở Xây dựng, song quá trình thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch.

Thêm đó, các cơ quan thuộc Sở thường thanh, kiểm tra ở các dự án lớn, bao quát từ hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước. Việc kiểm tra từng tuyến vỉa hè cụ thể mỗi năm chỉ có thể tiến hành trên vài chục dự án, không thể bao quát hết các tuyến đường trên toàn thành phố...

Nói về đá có độ bền 70 năm, cũng theo một lãnh đạo thuộc Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết, chất lượng của công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng đá, việc thi công và quá trình sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vỉa hè, địa phương không quản lý được (rất nhiều điểm cho thuê, đỗ ôtô ngang vỉa hè,…) gây nát hỏng vỉa hè. Do đó, trách nhiệm khi đưa vào sử dụng và quản lý thuộc về phường và quận.

Anh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-lat-via-he-xuong-cap-so-xay-dung-ha-noi-noi-gi-n184170.html