Đá lát vỉa hè xuống cấp sau hơn 2 năm sử dụng

Nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như tạo không gian đi lại thuận lợi cho người dân, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai lát lại vỉa hè trên nhiều tuyên phố. Tuy nhiên, những viên đá 'tự nhiên' dù được 'quảng cáo' là bền vững đến 70 năm lại nhanh chóng vỡ nát sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Trung Kính (Cầu Giấy), Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa)... các vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên đang có dấu hiệu xuống cấp.

Dễ dàng nhận thấy, dọc tuyên đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh xuất hiện nhiều điểm hè phố bị sụt lún, nham nhở. Có những đoạn đá lát bị bung lên, mấp mô, rất dễ gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân nơi đây.

Đặc biệt tại địa chỉ nhà 115 Trần Duy Hưng, vỉa hè bị “cày xới” để lộ cả đường dây cáp ngầm, gây mất mỹ quan đô thị.

Tại số nhà 115 Trần Duy Hưng, vỉa hè bị bong tróc để lội dây cáp ngầm

Tại số nhà 115 Trần Duy Hưng, vỉa hè bị bong tróc để lội dây cáp ngầm

Tương tự, tại các đoạn đường khác như Trung Kính (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), hiện tượng vỉa hè bị bong tróc, sụt lún cũng diễn ra phổ biển.

Chị Lê Quỳnh Anh (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) cho biết, các điểm vỡ, hỏng, trên tuyến đường đã xuất hiện từ lâu, dễ gây vấp ngã cho người già và trẻ em. Đặc biệt là vào buổi tối. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do hàng ngày vào giờ cao điểm, vỉa hè phải cõng lên mình hàng nghìn chiếc xe máy.

“Kể cả lúc không tắc đường, người ta cũng vô tư lao xe lên vỉa hè. Tôi nghĩ đá tự nhiên hay kể cả loại đá tốt hơn nữa sớm muộn cũng phải vỡ nếu bị “tra tấn” liên tục như vậy” – chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Nhiều đoạn vỉa hè ở đường Nguyễn Chí Thanh bị sụt lún

Còn theo anh Lê Đăng Dương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) – Một công nhân cầu đường cho rằng: “Theo tôi, vỉa hè xuống cấp còn xuất phát từ khâu thi công. Có thể trong quá trình lát hè, phần nền chưa được thi công kỹ nên dễ sụt lún dẫn đến tình trạng đá tự nhiên bị vỡ nát”.

Theo tìm hiểu, với mục tiêu đến năm 2020, hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên để tạo sự đồng bộ về mỹ quan đô thị.

Cuối năm 2016, Hà Nội ban hành quy định các dự án, tuyến đường mới, dự án cải tạo hè phố phải dùng vật liệu là đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm, hàng loạt tuyến đường được lát đá đã xảy ra hiện tượng bong tróc, sụt lún.

Tuy chưa thể khẳng định nguyên nhân khiến vỉa hè nhanh chóng xuống cấp, tuy nhiên, trước tình trạng đá lát bong tróc gây nguy hiểm cho người đi bộ và làm mất mỹ quan đô thị.

Đề nghị các lực lượng chức năng sớm vào cuộc, sửa chữa, chỉnh trang lại hè phố để việc đi lại của người dân được thuận tiện.

Cuối tháng 3/2019, Hà Nội vừa quyết định thiết kế mẫu hè đường đô thị ở 15 quận, huyện, thị xã. Gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.

Trong đó, 7 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai với hơn 100 tuyến phố được lát đá tự nhiên; còn lại lát gạch bê tông giả đá. Các quận được yêu cầu chịu trách nhiệm lựa chọn chủng loại vật liệu lát hè, đảm bảo rõ xuất xứ, cường độ, màu sắc bền theo thời gian và đồng bộ về mỹ quan đô thị.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/da-lat-via-he-xuong-cap-sau-hon-2-nam-su-dung-89784.html