Đá lát vỉa hè vỡ vụn sau 2 năm: Biết vẫn làm?

Đá lát vỉa hè TP.Hà Nội có độ bền 70 năm nhưng chỉ sau 2 năm đã vỡ, điều này đã được cảnh báo nhưng sao vẫn làm?

Đầu tháng 11/2020, nhiều khu vực vỉa hè TP. Hà Nội được lát đá đã xuất hiện tình trạng bong tróc, vỡ vụn mặc dù trước đó, cơ quan quản lý đánh giá loại đá lát vỉa hè này là đá tự nhiên, có độ bền tới 70 năm.

Tại vỉa hè các khu phố như Nguyễn Đình Chiểu (Q. Hai Bà Trưng); Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân); Giải Phóng (Hoàng Mai); Lê Hồng Phong (Ba Đình); Trần Duy Hưng, Trung Kính (Cầu Giấy) dù mới được lát đá và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún, xô lệch.

Ngày 13/11/2020, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thanh Huy - Đại học Xây dựng Hà Nội không tỏ ra bất ngờ, bởi đây là điều đã được giới chuyên môn cảnh báo từ trước.

Đá lát vỉa hè ở Hà Nội hỏng sau 2 năm đi vào sử dụng (Ảnh LĐO).

Đá lát vỉa hè ở Hà Nội hỏng sau 2 năm đi vào sử dụng (Ảnh LĐO).

"Việc đá vỉa hè có hiện tượng xô lệch, lượn sóng, vỡ vụn chỉ sau 2 năm là điều không lạ. Bởi nền đường không được gia cố kỹ trước khi tiến hành lát đá. Hơn nữa, khu vực Hà Nội thường xuyên ùn tắc giao thông, khi đó các phương tiện leo lên cả vỉa hè để đi khiến các mảnh đá bị xô lệch khiến vỉa hè lượn sóng" - ông Huy cho hay.

Theo ông Huy, bản chất của đá tự nhiên là cứng và giòn. Nếu chỉ có chút xô lệch mà bị lực tác động từ xe đi qua thì cũng có thể khiến viên đá vỡ vụn ra thành nhiều mảnh nhỏ.

"Ngay từ đầu dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên ở TP. Hà Nội đã được nhiều chuyên gia lên tiếng phản biện, không ủng hộ cách làm này nhưng cơ quan chức năng vẫn thực hiện theo ý minh. Để đến bây giờ chỉ sau 2 năm đã bộc lộ những bất cập" - ông Huy cho hay.

Vị chuyên gia cho biết, giá thành đá tự nhiên lát vỉa hè không hề rẻ. Đắt hơn rất nhiều so với những vật liệu như gạch bê tông, lá nhân tạo...

"Đá tự nhiên có hoa văn đẹp hơn nhiều so với những chất liệu khác nhưng lại có những điểm yếu không thể khắc phục như độ giòn, trơn trượt, hoàn toàn không phù hợp với việc lá đã ở nơi có nhiều xe cộ đi lại. Nếu như đá tự nhiên lát ở khu vực phố đi bộ như Hồ Gươm (TP. Hà Nội) hay Nguyễn Huệ (TP. HCM) thì hợp lý còn những tuyến phố khác thì nên tránh" - ông Huy cho hay.

Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, thực trạng xuống cấp của vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân: Chất lượng của đá và chất lượng của công tác lát đá.

UBND TP Hà Nội từng yêu cầu Thanh tra TP Hà Nội làm rõ chất lượng lát đá tự nhiên tại vỉa hè các tuyến đường (Ảnh LĐO).

Thành phố có thể căn cứ vào các nguyên nhân này để xử lý trách nhiệm.

Đá lát được cưa xẻ từ những tảng đá lớn. Những tảng đá lớn đó phải kích nổ để lấy từ núi về, sau đó trải qua hàng loạt công đoạn mới cho ra được những viên đá lát đưa về Hà Nội.

“Ra lò” từ tảng đá bị kích nổ, có viên đá còn nguyên vẹn, nhưng có những viên đá được lấy từ phần đá chỗ gần thuốc nổ sẽ bị “om”, tức là có những vết nứt ngầm rất nhỏ, chỉ khi đưa vào kính hiển vi mới thấy được mặc dù nhìn bằng mắt vẫn bình thường như bao viên đá khác.

Do đó, trước khi mang đá về lát vỉa hè, đơn vị chuyên môn phải thực hiện quy trình chọn lựa tỉ mỉ, viên nào tốt thì lấy, viên đá nào “om” phải loại ra.

Nhưng họ lại không làm, kiểm tra bằng mắt không thấy vấn đề gì là mang đi lát ngay. Những viên “om” được sử dụng dưới tác động lực của phương tiện hàng ngày sẽ nhanh chóng bị nứt, vỡ.

Bên cạnh đó, lát đá quan trọng là lớp lót nền phải phẳng, không được lún, nếu có sự chênh lệch cốt nền dẫn đến nứt vỡ đá. Để xảy ra hiện trạng thực tại, là do công tác quản lý thi công hời hợt, buông lỏng.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 6 và quý II/2020 của UBND Thành phố Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đá lát vỉa hè trên địa bàn thành phố có nhiều chủng loại khác nhau nên cường độ nén uốn cũng khác nhau.

Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn sử dụng đá lát vỉa hè có cường độ nén uốn chỉ bằng 1/3 so với quy chuẩn và yêu cầu. Bên cạnh đó, về độ đồng chất của vật liệu đá, một số khu vực mỏ vẫn sử dụng phương pháp khai thác bằng nổ mìn, đá khai thác bị “om”, chất lượng không đồng nhất nên dễ bị nứt gãy.

Do đó, trong quá trình chuẩn bị vật liệu đá, các địa phương cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc, cường độ nén uốn và độ dày của đá.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội không thấy tới trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào trong việc lát đá vỉa hè có độ bền 70 năm nhưng sau 2 năm đã hỏng.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-lat-via-he-vo-vun-sau-2-nam-biet-van-lam-3422506/