Đà Lạt: KDL Đường hầm điêu khắc xây dựng 43 công trình không phép?

KDL Đường hầm đất sét do Công ty cổ phần Sao Đà Lạt làm chủ đầu tư được đưa vào sử dụng, kinh doanh phục vụ du khách nhiều năm nay. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, công ty này đã 'ngang nhiên' xây dựng 43 công trình không phép 'bất chấp' pháp luật.

Theo tìm hiểu được biết, khu du lịch Đường hầm điêu khắc (hay còn được gọi là Đường hầm đất sét) do Công ty cổ phần Sao Đà Lạt làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt từ năm 2008. Từ năm 2009 đến năm 2014, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt đã được Sở Xây dựng cấp 03 giấy phép xây dựng theo quy định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm thì trong quá trình xây dựng, triển khai dự án, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt đã tiến hành xây dựng rất nhiều hạng mục, công trình khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, ngày 16/8/2016, Ban quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm đã kiểm tra, ghi nhận và yêu cầu Công ty tháo dỡ việc xây dựng trái phép các hạng mục: 01 cầu gỗ hình chữ T dài 20m rộng 1m, 01 câu gỗ dài 100m, rộng 1 m. Các hạng mục này được xác định thuộc khu vực bảo vệ 1 của Di tích.

Ngày 26/6/2017, Ban quản lý đình chỉ thi công và yêu cầu Công ty tháo dỡ 05 công trình xây dụng trái phép. Trong năm 2017, Hạt Kiểm lâm TP. Đà Lạt ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng của Công ty tại tiểu khu 157 và tiểu khu 162 với số tiền phạt 15,3 triệu đồng.

Qua kiểm tra thực tế: Công ty đã xây dựng, lắp đặt 43 hạng mục công trình tạm có mái che nhưng chưa lập thủ tục xin cấp phép xây dựng theo quy định; các hạng mục công trình trên với mục đích phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại dự án chủ yếu gồm: cổng chào, quầy vé, nhà lưu niệm, nhà vệ sinh, các ki ốt, chòi nghỉ chân, nhà lồng trồng dâu, vườn ươm…

Dãy nhà ki ốt nằm trong danh sách các công trình sai phạm của chủ đầu tư.

Dãy nhà ki ốt nằm trong danh sách các công trình sai phạm của chủ đầu tư.

Hiện nay đang khai thác sử dụng với tổng điện tích chiếm dụng 1. 953, 64m2 (trong đó: 181m2 diện tích nhà lồng ươm cây nằm ngoài phạm vi ranh giới đất dự án được thuê, thuộc khu vực bảo vệ 1 của Di tích); san gạt đất (phía đông bắc), tác động làm vườn, làm công viên (tại nhà nghỉ 6) không mái che với tổng diện tích 651 ,4m2 (trong đó có 394 m2 nằm ngoài phạm vi ranh giơì́ đất dự án được thuê, thuộc khu vực bảo vệ I của Di tích).

Công trình mái che được xây dựng không phép.

Theo giải trình của Công ty, trong số 43 hạng mục, công trình tạm đã xây dựng không có giấy phép nêu trên, có một số hạng mục đã có trong hồ sơ quy hoạch và đã được đơn vị trình UBND tỉnh kiến nghị cho phép điều chỉnh tại Tờ trình số 08/TTr-CTY vào tháng 4/1017 và được Sở Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 105/SXDQHKT ngày 26/6/2017.

Tổng diện tích tác động chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép đối với các hạng mục trên là 3. 679, 64m², trong đó có 575 m2 nằm ngoài phạm vi ranh giới đất dự án được thuê và thuộc khu vực bảo vệ 1 của Di tích. Trong quá trình kiếm tra, theo dõi việc thực hiện dự án, Công ty đã tự giác tháo dỡ nhà lồng làm vườn ươm với diện tích 181m2 và 02 nhà tạm vách tole khoảng 8m².

Để khắc phục các vi phạm tại dự án, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt đã thực hiện tháo dỡ hoàn toàn 01 cầu gỗ hình chữ T dài 20m, rộng 1,m; 01 câu gỗ dài 100m, rộng 1,0m; đã tạm ngưng 05 công trình xây dựng trải phép trên diện tích đất được thuê theo biên bản của Ban quản lý lập ngày 26/6/2017 và cam kết sẽ tháo dỡ trước ngày 18/3/2019.

Một trong những công trình vi phạm tại dự án được CĐT tháo dỡ dang dở cho có.

Để rộng đường dư luận về việc khắc phục các công trình vi phạm có được CĐT thực hiện đúng theo như đã cam kết hay không? Ngày 4/7, PV đã có mặt tại dự án để ghi nhận, theo ghi nhận thực tế của PV thì hiện nay, các công trình vi phạm được Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, và Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Lâm Đồng điểm mặt chỉ tên vẫn chưa được Chủ đầu tư tiến hành tháo dỡ như cam kết với các cơ quan chức năng.

Qua sự việc trên, dư luận người dân tại TP. Đà Lạt không khỏi “hoài nghi” thắc mắc khi cho rằng đối với các công trình xây dựng riêng lẻ của người dân khi bị phát hiện có sai phạm thì đều được các cấp có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý một cách triệt để. Trong khi đó, đối với một dự án có tới 43 hạng mục công trình vi phạm thì vẫn chưa cưỡng chế sai phạm một cách triệt để. Phải chăng sự tồn tại của các công trình vi phạm nêu trên là do có lý do hay uẩn khúc nào đó ở phía sau?

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về các sai phạm tại Hồ Tuyền Lâm.

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/kinh-doanh/da-lat:-kdl-duong-ham-dieu-khac-xay-dung-43-cong-trinh-khong-phep-45394.html