Đà Lạt: Cô giáo nổi nóng đánh học sinh bầm tím mông, nghiệp vụ sư phạm đâu?

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một học sinh lớp 2 bị đánh bầm tím phần mông. Hình ảnh trên được đăng kèm thông tin 'tố' cô giáo đã nhiều lần đánh cháu P.H.K (học sinh lớp 2D trên địa bàn TP.Đà Lạt).

Liên quan đến sự việc, cô giáo Hoàng Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (Phường 2, TP.Đà Lạt) cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp Hội đồng kiểm điểm liên quan đến việc cô Lê Thị Bích Liên (42 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2D) đánh học sinh bầm tím phần mông.

"Trong thời gian 3 ngày sau khi họp Hội đồng kiểm điểm nhà trường sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật, dựa trên biên bản họp kiểm điểm để xác định hình thức kỷ luật đối với cô giáo Lê Thị Bích Liên", Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương thông tin.

Trong tường trình của mình, cô Liên cho biết vì học sinh P.H.K. không hoàn thành bài tập đã được giao nhiều lần, cô đã liên lạc với phụ huynh nhắc nhở nhưng tình hình vẫn không biến chuyển. Vì nóng ruột nên cô Liên đã đánh vào mông học sinh.

"Tôi đánh vào mông cháu, thực sự tôi rất mất bình tĩnh đã đánh cháu mạnh tay, để lại vết bầm trên mông cháu. Tôi về nhà thì mẹ cháu có gọi điện và liên tục gào thét, chửi bới tục tĩu. Tôi đã xin lỗi gia đình vì tôi không cố ý, chỉ muốn cháu học tốt nhưng mẹ cháu không nghe, liên tục chửi bới gào thét", cô Liên thuật lại.

Hình ảnh học sinh bị đánh tím mông lan truyền trên mạng xã hội

Hình ảnh học sinh bị đánh tím mông lan truyền trên mạng xã hội

Trước đó, sau khi biết con mình bị cô giáo đánh bầm tím phần mông, bà Đ.T.U.G và ông P.H.T (bố mẹ của cháu K.) đã đến nhà cô giáo Liên để nói chuyện và xảy ra xô xát. Cô giáo Liên đã thừa nhận hành vi của mình là vi phạm đạo đức nhà giáo, đã xúc phạm đến thân thể học sinh. Bên cạnh đó, cô Liên xin nhận hoàn toàn sai phạm của mình và chấp nhận sự xử lý của cấp trên.

Cô Liên đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ hành vi đánh học sinh P.H.K bầm tím phần mông bằng cán đồ hốt rác.

Giáo viên cần kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân

Nhiều người cho rằng không thể nói vì học sinh không làm bài tập mà đánh các cháu, việc giáo viên đánh học sinh là hành vi vi phạm các quy định của nhà giáo, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường, vì thế giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Trao đổi với Infonet, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giáo viên là những người có nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản từ mái trường sư phạm, giáo viên cũng chính người dạy cho học trò bằng nhân cách của mình, làm gương về hành vi ứng xử cho trẻ.

“Không thể nói vì áp lực, vì không kiềm chế được bản thân, vì các con chưa làm bài nên đánh học sinh. Cái quan trọng là bằng phương pháp sư phạm giáo viên phải làm gì để thay đổi từng chút tình hình học tập của học sinh.

Tôi cho rằng những giờ học ở trường sư phạm và nhất là những tiết học tâm lý vẫn lý thuyết quá. Học tâm lý nhưng chúng ta lại không nghiên cứu tâm lý con người sống trong những tình huống thực mà chỉ thuộc về mặt lý thuyết.

Rồi bản thân người giáo viên cũng phải có kỹ năng quản lý cảm xúc của mình, mỗi người tự tìm cho mình cách thức phù hợp. Nhìn chung, mỗi người có điểm trôi cảm xúc khác nhau và phải biết cảm xúc của mình hôm nay đang ở mức nào, nếu đang khó chịu từ khi ở nhà thì giáo viên phải biết chỉ cần một tác động nhỏ là mình “nổi điên” nên phải kiềm chế. Giáo viên cần chú ý khi nào mình đánh mất kiểm soát và nhận ra giai đoạn nào mình dễ mất kiểm soát để ứng phó. Khi cảm xúc lên cao, khó kiểm soát, giáo viên có thể làm sao nhãng cảm xúc bằng cách đi lau bảng, không nhìn vào học sinh đó nữa hay nắm chặt tay để qua giai đoạn đó….

Khi bình tĩnh thì giáo viên mới cân nhắc đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, khi đưa ra hình thức thì phải trả lời tốt những câu hỏi như hình thức đó có tôn trọng đứa trẻ hay không, liệu hình thức kỷ luật đó có phù hợp với sự phát triển của đứa trẻ hay không”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Về bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết hiện nay chưa có cơ chế gì khuyến khích thực hiện, dù bộ quy tắc này rất tốt nhưng chưa phát huy được hiệu quả.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/da-lat-co-giao-danh-hoc-sinh-lop-2-bam-tim-mong-vi-khong-lam-bai-tap-284206.html