Đã lập gia đình sao còn… chưa lớn?

Lẽ thường, sau khi lập gia đình, người ta sẽ trưởng thành và chững chạc hơn? Bởi, không chỉ sống cho mình, họ còn phải biết quan tâm, lo lắng đến người khác nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng sống trong tâm thế ấy, đơn giản vì chính họ hoặc 'một nửa' của họ chỉ là đứa trẻ lớn xác!

Minh họa của MINH SƠN.

Có anh chàng, sau khi cưới vợ, đã mạnh dạn tuyên bố: “Tớ chúa ghét đàn bà nấu ăn dở!”. Tôi hỏi: “Có phải bà xã của anh là đầu bếp trứ danh chăng? Cưới được người giỏi bếp núc là may mắn quá”. Anh thở dài: “Không, vợ tớ chẳng bao giờ nấu ăn, ngày nào cũng chỉ cho ăn cơm hộp”. Đây không phải chuyện đùa, đã có phụ nữ nghĩ rằng, suốt ngày lao ra đường kiếm sống, mệt đừ rồi, về nhà ăn uống qua loa rồi nghỉ ngơi. Chỉ có hai vợ chồng với thêm một đứa nhóc, ăn uống có nhiều nhặn gì mà phải lỉnh kỉnh xoong nồi? Người chồng bắt bẻ: “Ơ kìa, rồi lúc ba mẹ đến chơi gặp bữa, chẳng lẽ cũng… cơm hộp?”. Nghe vậy, cô vợ bù lu bù loa chồng không thương mà “hành xác” vợ!

Nhiều người giậm chân kêu trời, hễ ngày Chủ nhật, ngày nghỉ thì y như rằng, vợ mình lại “à lô, à lố” réo bạn bè tụ tập lại nhà, nấu nướng, ăn uống linh đình rồi sau đó kéo nhau đi karaoke hát xướng thâu đêm. Chồng tháp tùng theo càng vui, bằng không cứ ở nhà, tha hồ… “đánh vật” với “bãi chiến trường”. Muốn kìm chân vợ còn ham chơi nên người chồng có lúc bày tỏ ước muốn có con, cô vợ ngây thơ nũng nịu: “Vội gì anh, có con vướng víu lắm. Bọn mình còn trẻ mà anh!”. Chà, không phải “trẻ” đâu. “Trẻ con” thì đúng hơn. Mà suy nghĩ vậy thì làm sao đã toàn tâm toàn ý nhằm chuẩn bị lâu dài cho cuộc sống gia đình.

Sau khi “sa vào hũ nếp”, cô em tôi được ba mẹ chồng mở cho cửa hàng tạp hóa tại nhà. Thế nhưng cô chẳng quán xuyến gì, mọi việc giao hết cho người giúp việc, mỗi ngày cô lên các trang mạng xã hội “buôn dưa lê”. Cửa hàng thua lỗ, ba mẹ chồng lại giúp cho một số vốn. Chẳng rõ, cô tính toán thế nào mà sắm ngay chiếc xe hơi, thuê tài xế chạy cho bảnh mặt. Trong lúc người chồng vẫn cần mẫn với công ăn việc làm, cô lại khác hẳn. Mỗi ngày, cô chưng diện đẹp đẽ như bà hoàng đi giao dịch đầu này đầu nọ, nói là nói vậy, chứ thật ra chỉ gặp gỡ để “tám” với bạn bè. Tính trẻ con ấy khiến đời sống vợ chồng xào xáo, dù mới cưới nhưng cãi nhau cũng bộn.

Không chỉ riêng phái yếu, cũng có nhiều đàn ông chỉ như đứa trẻ lớn xác. Vẫn biết ở chung với ba mẹ chồng chẳng thoải mái chút nào, nhưng khi đòi ra riêng thì “ông xã” viện ra vô số lý do để bác bỏ: Lúc đi làm ai chăm sóc con nhỏ, ai trông nom nhà cửa, đêm hôm có chuyện bất trắc gì biết kêu cứu, nhờ cậy ai v.v…? Thế là anh ta quyết “cố thủ” cho bằng được, không thèm biết cô vợ bé bỏng phải lo toan tất tật việc nhà chồng, còn đâu thời gian cho bước tiến đường tiến thủ sau này? Cô muốn đi học thêm chuyên môn sau giờ làm việc cũng khó; đi làm về muốn nghỉ ngơi cũng phải ý tứ nhìn trước ngó sau... Trong khi đó, người chồng lại thấy khỏe cái thân. Anh thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm vì vợ con đã có ba mẹ “canh me” giúp. Hơn nữa, cô ấy cũng chẳng dám phàn nàn gì vì chỉ mới mở miệng là bà mẹ đã binh con trai chằm chặp. Cô vợ ngày càng ngán ngẩm, dù không nói ra nhưng vẫn xem thường chồng vô tích sự, bất kỳ chuyện gì nhất nhất cũng chờ ý kiến của ba mẹ!

Khi có chồng, dù chồng không giỏi giang gì hơn, có thể chỉ bằng vai phải lứa nhưng lúc gặp chuyện, người phụ nữ muốn người chồng phải có chính kiến, quyết đoán chứ không là đứa trẻ lớn xác.

Đến giờ, mỗi lần Xuân về Tết đến là vợ chồng anh Sơn hàng xóm nhà tôi lại gấu ó, chì chiết chuyện cũ rích. Số là mươi năm trước, vợ chồng dành dụm đủ số tiền có thể mua căn hộ chung cư nhỏ xinh, nhưng ba mẹ anh khuyên: “Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, nhà mình còn rộng chán. Vậy mua thêm nhà làm gì? Số tiền đó cho chú út vay, tiền đẻ ra tiền có phải hơn không?”. Dù vợ không đồng tình nhưng rồi, anh Sơn vẫn răm rắp nghe theo. Cuối cùng, con cái ngày một lớn, chú út có vợ nên sinh hoạt bất tiện quá. Anh chị tách ra ngoài thuê căn phòng trọ cạnh nhà tôi bởi tiền cho vay đã trượt giá, không đủ mua nửa căn hộ!

Lại có người trẻ con đến độ, ngày nọ, cô vợ dành dụm mua được chiếc xe tay ga. Tưởng từ rày thuận lợi cho việc đi làm, nào ngờ trong một trận nhậu hoành tráng với chiến hữu, người chồng cao hứng “cá độ” tửu lượng ai hơn ai? Cuối cùng, chiếc xe ấy phải “cắm” ở tiệm cầm đồ để có tiền thanh toán cuộc nhậu. Những tính cách trẻ con ấy, có thể liệt kê ra nhiều mà “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chứ người ngoài khó có thể biết hết nỗi niềm của “đương sự”.

Làm thế nào để có thể “gột bỏ” tính cách “trẻ con” ấy? Thật ra chẳng có chuyên gia tư vấn nào có thể đưa ra lời khuyên có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, người trong cuộc nên suy nghĩ và tự định hướng rằng, sau khi lập gia đình tất nhiên sẽ có những thách thức, va vấp. Đó là sự trải nghiệm cần thiết để về sau có thêm bản lĩnh đối đầu sóng gió phía trước. Lúc ấy, bao giờ vợ/chồng cũng nghĩ rằng chẳng việc gì phải sợ, phải nao núng, phải yếu đuối buông xuôi vì bên cạnh mình còn có người khác nữa. Người đó sẽ cùng mình “kề vai sát cánh” suốt đời, cùng nương tựa nhau. Muốn được như vậy, cả hai phải tự ý thức loại bỏ tính cách trẻ con mà biểu hiện rõ nét nhất là dựa dẫm vào người khác, kể cả vợ/chồng của mình.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201811/da-lap-gia-dinh-sao-con-chua-lon-822905/