ĐÃ KHÔNG TỐT ĐƯỢC THÌ THÔI...

Hằng ngày đi ra đường hoặc theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể dễ dàng bắt gặp nhiều việc làm tốt của những người sống quanh ta. Khi thấy những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, họ sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí có người đã hy sinh cả tính mạng của mình để cứu người khác...

Ngày càng có nhiều tấm gương người tốt-việc tốt bằng những việc làm, hành động cụ thể đã giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Mỗi người tốt-việc tốt là một bông hoa đẹp, mang đến cho chúng ta thêm niềm tin về một xã hội tốt đẹp, đầy tính nhân văn. Mặt khác, những hoạt động thiện nguyện cũng chính là động lực giúp người được thụ hưởng có thêm niềm tin vào cuộc sống, từ đó nỗ lực vươn lên.

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Thế nhưng, thật đáng buồn khi thực tế có tình trạng không ít người chứng kiến những việc làm tốt đẹp đó chẳng những không động viên, cổ vũ, chung tay góp sức mà còn có những lời bình luận mang tính dè bỉu, chụp mũ, như: “Làm từ thiện để đánh bóng hình ảnh”, “hâm tỷ độ”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”... Năm trước, một người bạn của tôi đứng ra tổ chức chiến dịch tiêu thụ dưa hấu giúp nông dân với động cơ rất trong sáng, nhưng không ít người “xiên xỏ”, cho rằng bạn tôi lợi dụng việc đó để trục lợi. Những lời nhận xét vô căn cứ này được đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người băn khoăn, nghi ngờ. Cũng may, bạn tôi là người bản lĩnh nên đã không bị ảnh hưởng bởi những dư luận không tốt kia và cuối cùng, việc “giải cứu” dưa hấu mang lại kết quả tích cực. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể vượt qua khi gặp dư luận xấu hay những lời bình luận thiếu thiện chí. Chính những lời nói vô tâm, vô tình, ác ý ấy đã và đang khiến nhiều người ngại, nản chí, không muốn tiếp tục làm việc tốt hoặc phải “ẩn mình” khi làm thiện nguyện.

Để người tốt-việc tốt không ngừng nảy nở, phát triển, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ, nhân rộng những gương người tốt-việc tốt thì các cấp, các ngành và toàn xã hội phải có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng “bình loạn” như đã đề cập ở trên, nhất là trên mạng xã hội. Muốn vậy, trước hết mỗi người sử dụng mạng xã hội phải là một người thực sự có văn hóa, phải ý thức được rằng, đằng sau mỗi lời bình luận, mỗi thao tác bấm nút “like”, nút “share” là danh dự, là nhân phẩm của người khác. Mỗi lời bình luận không đúng, không hay sẽ như một vết đen bôi lên bức tranh cuộc sống xã hội.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng thông tin sai sự thật, vu khống..., thiếu tính xây dựng, đồng thời góp phần tích cực tạo ra nhiều hơn nữa những “bông hoa” người tốt-việc tốt trong cuộc sống hằng ngày.

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/da-khong-tot-duoc-thi-thoi-636611