Đã hoàn thiện thể chế về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn

Cử tri Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN. Trả lời, Bộ Tài chính cho biết: Công tác xây dựng thể chế về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn cũng như quá trình triển khai, giám sát... đã được ban hành đồng bộ, vừa thúc đẩy cổ phần hóa, vừa hạn chế được bất cập về định giá, giá trị tài sản của doanh nghiệp.

 Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo Bộ Tài chính, triển khai Hiến pháp năm 2013, phù hợp các yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng (đáp ứng yêu cầu vai trò chủ đạo trong kinh tế nhà nước), Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua các Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý, sử dụng sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13 thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015).

Trên cơ sở các luật nêu trên, Chính phủ đã ban hành các Nghị định liên quan như: Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017. Đồng thời Bộ Tài chính cũng ban hành các thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 219/TT-BTC ngày 31/12/2015; Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018; Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018...

Với những cơ chế chính sách đã ban hành, nay bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong năm 2019 và 2020, hoàn thành việc rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đồng thời, chủ trì rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý tài sản công và Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về tiền sử dụng đất, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Có thể thấy các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như cổ phần hóa, thoái vốn liên tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập. Các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đã đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, việc ban hành, hoàn thiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là bước hoàn thiện có tính pháp luật cao nhất trong quá trình thực hiện cơ chế đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, công tác xây dựng thể chế về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn cũng như quá trình triển khai, giám sát... trong thời gian đã được thực hiện đồng bộ, vừa đảm bảo thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng hạn chế được những bất cập, hạn chế về công tác định giá giá trị tài sản.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/da-hoan-thien-the-che-ve-tai-co-cau-co-phan-hoa-thoai-von-104668.html