Đã hết 'xa xỉ'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những thách thức có thể nói là lớn nhất trong sáu năm cầm quyền của ông, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại những tháng vừa qua.

Đằng sau những con số tăng trưởng hào nhoáng của nền kinh tế Trung Quốc là ẩn chứa sự suy thoái sâu sắc.

Vào một buổi chiều gần đây, ông Yu, 46 tuổi, công nhân một nhà máy sản xuất đèn ở Đông Quản đã lên tàu trở về quê ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Công ty nơi ông làm việc đã giảm lương mạnh, đồng thời cắt giảm giờ làm việc, khiến những người lao động như ông phải nghỉ Tết Nguyên đán sớm ba tháng và đương nhiên là không được trả lương.

Li Shulian, một công nhân khác làm tại nhà máy nhựa ở Đông Quản cũng đã quyết định về quê ăn Tết sớm vì công việc thất thường. Chị Li cho biết kể từ khi rời quê hương đi lập nghiệp năm 2005, chưa bao giờ chị về sớm như vậy.

Nhiều doanh nghiệp ở “trung tâm sản xuất” của Trung Quốc, Đông Quản cũng như nhiều nơi khác ở tỉnh Quảng Châu thừa nhận họ phải cắt giảm nhân công vì nhu cầu đặt hàng giờ đã chậm lại.

Judy Zhu, người bán va li túi xách bên ngoài ga xe lửa ở Đông Quản có lẽ cảm nhận rõ nét nhất tình trạng thất nghiệp của công nhân. Cô cho biết mọi khi phải đến tháng 1, hàng của cô mới được tiêu thụ nhiều, nhưng giờ mới tháng 12 mà số người mua đã tăng bất thường.

Nếu chỉ nhìn vào các số liệu được công bố, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ như vẫn tốt với tỷ lệ tăng trưởng quí 3 đạt 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đằng sau con số hào nhoáng đó ẩn chứa sự suy thoái sâu sắc. Đầu tư nước ngoài tháng trước đã sụt giảm mạnh. Doanh số bán ô tô quí 3 cũng giảm kỷ lục.

Cuối tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã thừa nhận về sự tăng trưởng thấp đáng báo động của doanh số bán lẻ hàng tháng và chỉ số sản xuất công nghiệp. Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm này là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Hồi đó, Bắc Kinh đã buộc phải bơm hàng ngàn tỉ đô la vào nền kinh tế để giữ nhịp tăng trưởng.

Trong hai thập kỷ qua, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã tạo cho giới lãnh đạo Trung Quốc một nền tảng vững chắc. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc luôn giữ mình ở thế “cửa trên”. Song sự xa xỉ đó giờ đây đã không còn.

Có thể nói, ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sáu năm cầm quyền. Trong nước, ông đứng trước những lựa chọn khó khăn để làm sao vừa khơi dậy tăng trưởng, vừa cân bằng với những vấn đề dài hạn khác như các khoản nợ khổng lồ. Trên diễn đàn thế giới, Trung Quốc buộc phải nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng gia tăng.

Tổng thống Mỹ D. Trump đã cảm nhận được lợi thế của mình. “Trung Quốc vừa tuyên bố rằng nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự đoán vì cuộc chiến thương mại với Mỹ”, ông Trump viết trên trang cá nhân hôm thứ Sáu tuần trước.

Măc dù so với các nước khác, Trung Quốc vẫn có nhiều đòn bẩy để sử dụng trong trường hợp suy thoái, nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với các ngành công nghiệp thiết yếu và lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Vừa rồi, Trung Quốc đã tăng chi tiêu chính phủ, yêu cầu ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với doanh nghiệp tư nhân. Chính quyền cũng hứa sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp không sa thải công nhân. Thậm chí, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về môi trường cũng được tạm phớt lờ để các nhà máy gây ô nhiễm vẫn có thể mở cửa.

Song các biện pháp cưỡng ép đó không còn hiệu quả như trước. Nhiều vụ vỡ nợ lớn đã khiến các ngân hàng lo lắng. Những quy định được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến các nhà quản lý ngân hàng của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm bằng sinh mạng của mình đối với các khoản vay không được hoàn trả. Điều đó khiến họ cẩn thận hơn trong việc “mở hầu bao” cứu sống các doanh nghiệp gặp khó khăn. Chi tiêu của chính phủ cũng làm tăng thêm đống nợ khổng lồ, đè gánh nặng lên tăng trưởng trong dài hạn.

Diana Choyleva, nhà kinh tế tại Enodo Economics, London, được New York Times trích lời cho biết, trong suốt thời gian qua, ông Tập Cận Bình đã chèo lái con thuyền Trung Quốc ra đại dương mà không có cơn bão nào ngăn cản được. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đang gặp phải cơn giông tố mạnh nhất từ trước tới giờ.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283123/da-het-xa-xi-.html