Đã giảm thiểu được thiệt hại do bão số 5 gây ra

Ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc chủ động phòng chống bão số 5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai với tinh thần chủ động hơn, quyết liệt hơn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Sáng 31/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì họp trực tuyến với một số địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 5.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, gió mạnh đã khiến 7 tàu vận tải với 70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi. Tính đến 2h30’ ngày 31/10, còn một tàu bị mắc cạn, một tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, 5 tàu đã khắc phục bảo đảm an toàn.

Đồng thời, 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập, đến nay, có 25 tàu được khắc phục và đi vào nơi neo đậu an toàn (còn lại 45 tàu đang được hỗ trợ xử lý); có một tàu với 3 người bị trôi ra ngoài cảng đã được cứu hộ an toàn về người.

Tại Quảng Ngãi, có 2 người bị thương. Mưa lũ gây sạt lở đất nên phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ.

Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp chính quyền và nhân dân của các địa phương trong việc chủ động các phương án phòng chống bão. Theo đó, đã hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do bão số 5 gây ra, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, phòng chống bão còn lúng túng nhất định.

Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

“Tại khu vực neo đậu ở cảng Quy Nhơn (Bình Định), có nhiều tàu bị sự cố dù bão không lớn như dự báo. Cần xem xét nghiêm túc, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân khắc phục trong thời gian tới, trong đó công tác quy hoạch khu vực neo đậu để có đủ khả năng cho tàu thuyền tránh trú”, Phó Thủ tướng nói.

Từ nay đến cuối năm, dự báo các cơn bão sẽ có xu hướng đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam, cùng với đó là mưa bão bất thường, khó dự báo. Do đó, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống bão.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là địa phương, tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, hỗ trợ thăm hỏi người dân bị nạn, bị thương, bị mất tài sản… Bằng nguồn lực tại chỗ của địa phương để triển khai sửa chữa nhà cửa, trường học và cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi… Đồng thời, cần theo dõi chặt diễn biến mưa lũ sau bão, đặc biệt chú ý các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét do khu vực miền Trung-Tây Nguyên có địa hình dốc, rất dễ xảy ra lũ.

Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý chặt chẽ mực nước, theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các hồ chứa thủy lợi và thủy điện.

Các địa phương chủ động lực lượng tại chỗ để ứng phó, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành và lực lượng, nòng cốt là lực lượng vũ trang, để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Đoàn Bắc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/da-giam-thieu-duoc-thiet-hai-do-bao-so-5-gay-ra/378705.vgp