Đà giảm chứng khoán chưa dừng lại, cần thời gian để cân bằng

Ảnh hưởng tâm lý từ sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu đã tác dộng tới phiên giao dịch trong nước. Tạm kết thúc phiên sáng 10/5, lực bán vẫn tăng mạnh, khiến VN-Index tiếp tục mất gần 15 điểm.

Thị trường vẫn chờ dòng tiền bắt đáy.

Thị trường vẫn chờ dòng tiền bắt đáy.

Theo đó, nhóm cổ phiếu bluechip nới rộng đà giảm, cụ thể: GVR giảm 4,6%; STB giảm 4,2%; BVH giảm 3,2%; KDH giảm 2,6%; CTG giảm 2,4%; TCB giảm 2,1%... Các mã nhóm ngành bất động sản, xây dựng, logistics, thủy sản…như CTS, TMS, TDG, CII, HHV, OGC, KHP, DAG, LDG, TGG, HTN, FTM…. đều giảm trên dưới 5%.

Tạm kết thúc phiên sáng 10/5, sàn HoSE có 117 mã tăng và 329 mã giảm, VN-Index giảm 14,52 điểm (-1,14%), xuống 1.255,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 392,6 triệu đơn vị, giá trị 10.298,4 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 4% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,8 triệu đơn vị, giá trị 840,2 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên sáng 9/5, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 3,7% xuống 9.532 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào DPM, CTG, STB, SSI, DIG, FRT…

Tạm kết thúc phiên sáng 10/5, sàn HNX có 69 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index giảm 4,06 điểm (-1,25%), xuống 319,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,8 triệu đơn vị, giá trị 943,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 2,85 tỷ đồng.

Các đợt bán tháo liên tục diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) kể từ đầu tháng 4/2022, đẩy giá cổ phiếu xuống vùng giá hấp dẫn; thanh khoản thị trường thấp kỷ lục và không khí bao trùm vẫn là tâm lý TTCK chưa thể vượt qua cú sốc.

Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI, chỉ số VN-Index giảm điểm trong tháng 4/2022 trước lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan tới thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và TTCK, đi cùng với sự thận trọng về các biến số vĩ mô như lạm phát và lãi suất.

“Dự báo, chỉ số VN-Index sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng 1.260 – 1.250 điểm trước khi hồi phục trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản tương đối thấp trong nhịp hồi phục này cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang thận trọng”, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho biết.

Đại diện SSI dự báo hai kịch bản có thể xảy ra với chỉ số thị trường trong tháng 5/2022, đó là VN-Index quay lại với trạng thái điều chỉnh và hình thành thêm đáy số 2 (sau khi tạo đáy số 1 từ phiên 26/4), trước khi hồi phục trở lại (theo thuật ngữ phân tích kỹ thuật thì đây là mẫu hình 2 đáy); kịch bản thứ hai, chỉ số sẽ thu hẹp dần độ biến động trước khi giằng co đi ngang (trạng thái sideway).

Như vậy, theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, sẽ cần thời gian để TTCK tìm điểm cân bằng và tăng trở lại. Các yếu tố cần thiết để thị trường tăng trở lại đó là: sự ổn định hơn của các biến số vĩ mô, ví dụ như lạm phát; động lực từ dòng tiền khối ngoại cũng như Quỹ hoán đổi danh mục (ETF); kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận tại các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Lý do thanh khoản duy trì ở mức thấp khi bên chờ bán chưa chấp nhận vùng giá hiện tại để thực hiện cơ cấu danh mục, trong khi bên chờ mua cũng đang thận trọng sau nhịp biến động. Sau khi VN-Index hoàn thành các mẫu hình tạo đáy hoặc xác nhận trạng thái sideway, thanh khoản sẽ có sự cải thiện so với quy mô hiện tại với sự quay lại của bên chờ mua.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm đưa ra lời khuyên nhà đầu tư trong ngắn hạn nên giao dịch với tỷ trọng thấp, chờ đợi VN-Index xác nhận trạng thái như tôi đã đề cập theo 2 kịch bản kể trên và cân nhắc tăng tỷ trọng trở lại. Các cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể tham khảo khi tăng tỷ trọng trở lại sẽ là các lĩnh vực được xác nhận bởi câu chuyện tăng trưởng kết quả kinh doanh trong năm 2022, có thể kể tên như bán lẻ, cảng và vận tải biển, thủy sản, …

Trước đó, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment đánh giá, VN-Index nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc giảm điểm trong năm 2022 bởi trong 2 năm qua thị trường đã tăng rất mạnh, nhiều cổ phiếu tăng 5 - 10 lần. "Kinh nghiệm của tôi là khi nhiều nhà đầu tư đã lãi đậm thì họ sẵn sàng bán ở bất cứ mức giá nào khi thị trường có biến động", ông Lã Giang Trung cho biết. Bên cạnh đó, định giá của thị trường hiện tại không còn quá hấp dẫn như trước (p/e ở mức 16, 17 lần).

Ngoài ra, lạm phát thế giới đang tăng rất mạnh, và các ngân hàng Trung ương đang có xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo CEO Passion Investment, lãi suất tăng, chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng lên ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, so sánh tương quan giữa kênh tiền gửi và kênh đầu tư tài sản rủi ro rõ ràng thu hẹp lại, việc tăng lãi suất nhanh và mạnh có thể tác động tiêu cực đến TTCK.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/da-giam-chung-khoan-chua-dung-lai-can-thoi-gian-de-can-bang-20220510120620089.htm