Đá đường Trung Lương-Mỹ Thuận dùng tay bẻ được: Chưa từng thấy...

Đá gia tải làm đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể dùng tay bẻ được là điều chưa từng thấy hay áp dụng vào công trình giao thông nào.

Chủ đầu tư không tuân thủ yêu cầu

Ngày 6/10/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có kết quả kiểm tra ban đầu trước thông tin phản ánh của người dân về việc vật liệu cấp phối đá dăm gia tải tại gói thầu XL-11 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể dùng tay bẻ vỡ được.

Theo đó, kết quả kiểm tra của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho thấy có việc nhà thầu trộn đất vào hỗn hợp đá dăm loại 2 để thực hiện việc gia tải đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không đảm bảo chất lượng công trình, không tuân thủ đúng yêu cầu đã đề ra.

Ban đầu, đơn vị tư vấn thiết kế dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận muốn sử dụng đá dăm loại 1 cho cho lớp kết cấu đáy áo đường. Nhưng phía Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho rằng, việc sử dụng vật liệu này chưa phù hợp.

Đá gia tải nền đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại gói thầu XL-11 có thể dùng tay bẻ được (Ảnh TBKTSG).

Đá gia tải nền đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại gói thầu XL-11 có thể dùng tay bẻ được (Ảnh TBKTSG).

Chính vì thế, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế dự án cấn tổ chức nghiên cứu sử dụng vật liệu cho lớp kết cấu này đảm bảo các yêu cầu kỹ thuận theo quy định, trong đó có thể nghiên cứu sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại 2 phối trộn, tăng cường hàm lượng đất sét hoặc á sét trong vật liệu cấp phối đá dăm nhằm đạt chỉ số theo tiêu chuẩn quy định.

Tuy nhiên, khi việc phối trộn đá dăm loại 2 với đất sét hoặc á sét chưa được thử nghiệm, đánh giá cụ thể nhưng chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã vội áp dụng vào trong thực tế thi công dự án.

"Việc này chưa từng được thực hiện, chưa có công nghệ, tiêu chuẩn và phải thực hiện với quy mô lớn, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Những phân tích cho thấy, tính khả thi của việc trộn hỗn hợp đất với đá dăm loại 2 để gia tải đường cao tốc chưa được khẳng định" - ông Bon cho biết.

Được biết, ngoài gói thầu XL-11 thì tại gói thầu XL-12 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng sử dụng một phần khối lượng vật liệu gia tải là cấp phối đá dăm loại 2.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện truyền thông của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết: “Lớp gia tải đó có thể là đất bình thường, cát bình thường hay bất kỳ vật liệu nào, miễm việc gia tải ấy theo trình tự từng lớp, từng đợt và thời gian gia tải này liên tục theo dõi độ lún của toàn bộ nền đất đang xử lý”.

Theo vị đại diện này, đối với vật liệu gia tải, không có quy định bắt buộc về vật liệu, miễn là tạo ra tải trọng phù hợp để nước có thể thoát ra. “Khi nào sử dụng cho kết cấu áo đường, thì kiểm tra đánh giá chất lượng đảm bảo mới sử dụng”, vị này nói.

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận không được sử dụng đá dăm loại 2 gia tải cho công trình chính (lớp đáy móng và kết cấu áo đường) mà chỉ được dùng cho các công trình phụ tạm như bù phụ nền đường công vụ, mặt bằng bãi đúc cấu kiện bê tông...

Lỗi do nhà thầu phụ?

Trước đó, nhiều người dân Tiền Giang phản ánh, tại gói thầu XL-11 của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có nhiều khu vực đá gia tải có thể dùng tay bẻ vỡ vụn một cách dễ dàng. Từ đó, người dân đặt ra nghi vấn về chất lượng thực sự của dự án đường cao tốc trọng điểm của khu vực miền Tây Nam Bộ đang được thực hiện.

Theo ghi nhận thực tế, tại gói thầu XL-11 có ít nhất hai màu đá gia tải mặt đường, gồm một đoạn toàn là đá xanh và một đoạn đá xanh pha lẫn đá có màu vàng. Trong đó, đoạn đá có lẫn màu vàng có thể dùng tay bẻ vỡ ra.

Được biết, gói thầu XL-11 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do nhà thầu phụ là Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Tây An thi công, đơn vị cung cấp vật liệu là Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát cho biết, loại đá kém chất lượng như nêu trên do đơn vị này cung cấp theo đặt hàng của bên mua.

“Mua bán, thì họ mua cái gì mình bán cái đó thôi” bà Hiếu nói và cho biết, trước khi đặt hàng phía Tây An cũng có lên mỏ đá để kiểm tra.

Không ai làm như thế!

Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TP. HCM, khẳng định: "Ngay trên đường bình thường cũng không thể dùng đá loại II để thay thế cho đá loại I được. Bởi, nền mặt đường rất quan trọng, nếu làm sai thiết kế thì phải vứt đi, chứ không thể nói đá loại II cũng chất lượng".

Theo ông Trường, đối chiếu lại với quy phạm thiết kế đường cao tốc, thì nền mặt đường phải được ưu tiên và rất quan trọng.

“Trên đường cao tốc, đoạn từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, thì Ban quản lý dự án phải đi tù và các nhà thầu cũng bị kỷ luật mà một phần cũng do nền mặt đường bị hỏng vì hệ thống đá kém chất lượng.

Các đường cao tốc mới là không được làm sai thiết kế, không được vì bất cứ lý do gì làm sai thiết kế” - ông Trường nhấn mạnh.

Đối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Trường đề nghị phải loại bỏ ngay các loại đá kém chất lượng ra khỏi công trình, không thể tận dụng đá gia tải loại II để sử dụng cho lớp nền thượng, bởi như đã nêu mặt đường cao tốc là rất quan trọng.

“Phải đào lên vứt đi hoặc để đó làm việc khác, chứ không thể làm lớp 1 - nền thượng đường được”, ông Trường nói.

Khánh Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-duong-trung-luong-my-thuan-dung-tay-be-duoc-chua-tung-thay-3420180/