Đã đến lúc Việt Nam phải cất cánh

'Khi bước sang thời kỳ cất cánh, thắng chính mình để vươn lên là thách thức nhất và đội ngũ cán bộ được lựa chọn sau Đại hội XIII của Đảng phải gánh vác sứ mệnh ấy'- GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chuyên gia cao cấp) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những định hướng và triển vọng phát triển đất nước trong nhiệm kỳ mới.

Chiến lược nhân tài cực kỳ quan trọng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Ông nhận định thế nào về bối cảnh trong nước và quốc tế tại thời điểm Đại hội diễn ra?- Trước hết chúng ta đều thấy rằng, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, hết sức nhanh chóng, phức tạp, chưa thể dự báo hết được. Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, chúng ta tiến hành chuẩn bị Đại hội và đầu năm 2021, thời điểm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII, sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch Covid-19 trên khắp thế giới đã và đang làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta. Một đại dịch mà sức tàn phá còn hơn cả đại chiến, biến thế giới rơi vào cơn khủng hoảng đa chiều. Một thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có. Rất may mắn là Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh, nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Một điểm nữa là những biến động ở các siêu cường như chuỗi toàn cầu đứt gẫy, bầu cử ở Mỹ… Hiện chúng ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể nói những biến động ấy “không phải chuyện của ta”. Còn ở trong nước, năm 2020 chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, nhưng khó khăn khi kinh tế đi xuống là hiện hữu, cùng với đó là những thách thức khác không thể lơ là.

Nhưng theo tôi, thách thức đi liền với cơ hội và việc biến “nguy” thành “cơ” đang hiện lên ngày càng rõ. Nhìn từ đại dịch hiện nay, đó là một thách thức vô cùng lớn, nhưng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, bằng khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất hiệu quả, chúng ta đã nhanh chóng khống chế được dịch bệnh một cách ngoạn mục. Cơ hội tạo ra là lòng tin của dân với Đảng, Chính phủ về sự dẫn dắt tin cậy. Đồng thời, với sự ổn định, chúng ta cũng đón nhận thêm nhiều cơ hội khi làn sóng đầu tư dịch chuyển vào. Hơn thế nữa, với vị trí địa chính trị của mình, vị thế và đóng góp trong những sự kiện chung của thế giới, chúng ta đã chuyển thách thức thành cơ hội.Có thể nói rằng, sau Đại hội XIII, đất nước sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều định hướng lớn. Như ông đã nói, chúng ta đang biến các thách thức thành cơ hội, vậy đâu là vấn đề lớn cần quan tâm nhất sau Đại hội để hiện thực mục tiêu?- Chúng ta đã qua thời kỳ mà giống như hình ảnh máy bay lăn bánh trên đường băng, không thể tiếp tục lăn trên đường băng mãi, đã đến lúc phải cất cánh. Đó là hội nhập sâu hơn nữa với thế giới, vươn tới sánh vai cùng các nước phát triển. Trong giai đoạn bứt phá vươn lên, việc thắng chính mình là thách thức lớn nhất và đội ngũ cán bộ được lựa chọn sau Đại hội XIII phải gánh vác sứ mệnh ấy.Trước hết nói về công tác cán bộ, chúng ta vừa trải qua cơn “đại phẫu” lớn để cắt bỏ đi những ung nhọt trong bộ máy. Chưa một nhiệm kỳ nào mà số cán bộ cao cấp bị kỷ luật, vướng vòng lao lý nhiều như vậy. Đây là tổn thất, nỗi đau không ai muốn; nhưng nhìn từ phương diện khác, đây chính là “đại phẫu” cần thiết để tạo ra “cơ thể lành mạnh”. Và sau Đại hội XIII, chúng ta phải tiếp tục các biện pháp để không chỉ phát triển trên một cơ thể đã tương đối lành mạnh ấy, mà phải ngăn bệnh cũ tái phát. Gốc rễ là chúng ta phải có cơ chế giám sát quyền lực mạnh, từ đó ngăn tha hóa quyền lực, bên cạnh việc giáo dục chính trị, đạo đức. Trong đó, cùng với hệ thống công cụ về pháp luật, việc giáo dục ý thức của toàn dân đối với phòng chống tệ nạn tiêu cực là quan trọng. Phải có kênh lắng nghe dân hiệu quả, để dân tham gia vào quá trình giám sát quyền lực tốt hơn. Đảng đã nhận ra điều đó, chúng ta cũng đã có cơ chế, nhưng phải hữu hiệu, mềm dẻo hơn.Tiếp theo, khi chúng ta bước vào giai đoạn bứt phá vươn lên, một việc lớn nữa mà sau Đại hội XIII nên triển khai là chiến lược nhân tài. Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề này, đã chú trọng bồi dưỡng nhân tài, nhưng theo tôi, chúng ta nên nhìn một cách thực tế hơn. Đất nước muốn phát triển, hội nhập… phải làm sao đo đếm, thống kê được nhân tài của chúng ta là bao nhiêu. Người Việt thường có tài năng trên lĩnh vực gì… Từ đó mới có những chính sách phát huy con người theo hướng trọng dụng nhân tài. Hay nói cách khác, chiến lược nhân tài cần chú trọng khía cạnh sử dụng người tài như sản phẩm đầu ra. Khi người tài được trọng dụng, giao việc, người tài sẽ xuất hiện. Sử dụng tốt thì người tài cũng sẽ tự đào tạo, tự bồi dưỡng chứ không phải cứ “đốt đuốc” đi tìm người tài. Phát huy thế mạnh của văn hóa, tính cách Việt NamCùng với sử dụng người tài, việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người cũng được đặt ra là động lực quan trọng, yếu tố quyết định. Vậy theo ông, với vấn đề này có điểm gì cần lưu ý, đặc biệt trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay?- Trong Văn kiện Đại hội XIII cũng đề cập đến tinh thần lớn của vấn đề này, theo tôi, chúng ta cần đề cao hơn tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tư duy phát triển đất nước một cách đột phá, sáng tạo, bền vững phải bắt đầu từ văn hóa và con người. Phải hết sức chú trọng vị thế của văn hóa. Văn hóa phải là tinh thần của xã hội, mục tiêu động lực của phát triển bền vững. Có nghĩa là phải khai thác tố chất của con người Việt Nam, biến tất cả những gì mình có thànhlợi thế cạnh tranh quốc tế, đó mới là tư duy hiện đại, có tầm. Hay nói cách khác, phát huy nhân tố văn hóa không chỉ hiểu theo nghĩa đơn thuần, mà đó là khai thác nguồn lực, tính cách con người Việt Nam. Chẳng hạn, tư duy linh hoạt, mềm dẻo, giỏi thích ứng, không phải dân tộc nào cũng có, nếu chúng ta chủ động tận dụng lợi thế của mình, có thể trở thành sức mạnh phi thường. Nhưng những đặc tính ấy cũng có mặt tiêu cực cần ngăn ngừa, loại bỏ. Vì thế, phải thấy rõ được thế mạnh và những hạn chế, phát huy sở trường, biến những mặt mạnh của sở đoản thành lợi thế cạnh tranh, đó chính là điều chúng ta cần tập trung thực hiện để văn hóa con người thực sự là động lực phát triển bền vững.Một điều nữa, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam. Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ “khát vọng”. Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên.Qua nghiên cứu lịch sử cũng như quá trình phát triển của đất nước trong những năm qua, cá nhân ông kỳ vọng ra sao vào bước phát triển tiếp theo trong nhiệm kỳ mới của Đảng?- Chúng ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn muôn phần của đất nước như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế trầm trọng tưởng như không có lối ra, nhưng chúng ta đều đã vượt qua, bừng lên, trở thành một đất nước có vị thế như hiện nay, một vị thế quốc tế của Việt Nam cao chưa từng thấy khiến bất cứ ai cũng không thể không tự hào. Tôi có vinh dự trực tiếp trình bày chuyên đề, chủ trì thảo luận trong các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Tôi thấy các cán bộ lớp nguồn rất năng động, thẳng thắn, trẻ trung, giỏi ngoại ngữ, tin học, tư duy sắc sảo và có khả năng thích ứng. Với đội ngũ đó và tinh thần của dân tộc, bản lĩnh của Nhân dân, tôi tin vào đất nước sau Đại hội XIII sẽ có những chuyển biến cụ thể.Xin cảm ơn ông!

Vũ Minh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-den-luc-viet-nam-phai-cat-canh-408793.html