Đã đến lúc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên?

Phát biểu ngày 13-10 (giờ địa phương) tại bang California, Mỹ, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia cho rằng, hiện là thời điểm để cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.

Chưa thể nới lỏng nếu Mỹ chưa muốn?

Không chỉ Nga, hồi cuối tuần qua, Hàn Quốc cũng tuyên bố, vấn đề dỡ bỏ trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, vốn được áp đặt sau vụ Bình Nhưỡng tấn công một tàu chiến của Seoul hồi năm 2010, đang được xem xét với sự tham vấn của các cơ quan chính phủ liên quan.

Nhấn mạnh đây là một bước đi biểu tượng giúp cải thiện quan hệ liên Triều cũng như để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng “Xứ sở Kim chi” Kang Kyung-wha ngày 10-10 cho biết: “Đây là một sắc lệnh hành pháp quan trọng. Chúng tôi thường xuyên xem xét và đánh giá sắc lệnh này”.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia. Ảnh: Al Manar.

Bên cạnh đó, bà Kang Kyung-wha cũng tái khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. “Dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ, chúng tôi sẽ đóng vai trò cầu nối tích cực cho việc tạo ra một nền tảng chung giữa Washington và Bình Nhưỡng”.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy những bất đồng nảy sinh ngày một nhiều giữa Washington và Seoul liên quan đến vấn đề trừng phạt Bình Nhưỡng, chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ khả năng Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ trừng phạt chống CHDCND Triều Tiên, khẳng định đồng minh của Mỹ sẽ không bao giờ hành động như vậy mà không có sự đồng ý của Washington.

Dù khẳng định sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 với Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, song người đứng đầu Nhà Trắng vẫn muốn duy trì sức ép với Bình Nhưỡng cho tới khi nước này phi hạt nhân hóa và muốn các nước đồng minh hành động tương tự.

Trước những lời này của Tổng thống Mỹ, chỉ một ngày sau đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ra tuyên bố trái ngược với những gì mà Ngoại trưởng nước này đã đưa ra trước đó.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon khẳng định hiện nước này không cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng chưa từng thực hiện bất kỳ đánh giá chi tiết nào liên quan tới việc này. Tuy nhiên, ông khẳng định Seoul vẫn triển khai những biện pháp một cách linh hoạt nhằm tìm kiếm cơ hội trao đổi, hợp tác liên Triều trong bối cảnh quan hệ hai bên đang dần được cải thiện.

Bình thường hóa hay phi hạt nhân hóa?

Giới chuyên gia nhận định rằng, mục tiêu cấp bách nhất đặt ra trong vấn đề Triều Tiên là phi hạt nhân hóa, nhưng bất cứ nỗ lực nào hướng tới cái đích đó cũng phải phù hợp với một viễn cảnh lớn - theo đó có thể đưa Bình Nhưỡng trở thành một nhà nước bình thường không có vũ khí hạt nhân.

Do đó, Mỹ và các đồng minh cần hỗ trợ để nước này thiết lập mối quan hệ bình thường với thế giới bên ngoài cũng như đảm bảo để CHDCND Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường trong tương lai. Mặc dù truyền thông “nóng” lên vì những tiến triển ngoại giao gần đây trong vấn đề Triều Tiên, song bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào cũng có thể nhanh chóng cho thấy sự “mong manh dễ vỡ”.

Giả sử Tổng thống Donald Trump có được một “thỏa thuận lớn” về phi hạt nhân hóa theo nguyên tắc: Hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng (CVID) với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, song giá trị thực sự của thỏa thuận đó sẽ như thế nào khi một trong hai nhà lãnh đạo này vì lợi ích của mình lại từ bỏ nó?

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng, vấn đề phi hạt nhân hóa có kiểm chứng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Trừ phi ông Kim Jong-un tự nguyện công khai tất cả các kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nếu không sẽ rất khó để xác định tất cả các cơ sở hạt nhân và tên lửa mà chính quyền Bình Nhưỡng đang sở hữu trên thực tế.

Ngay cả khi các thanh sát viên quốc tế và Mỹ được tự do đi lại ở CHDCND Triều Tiên thì việc xác định các cơ sở làm giàu urani, các bệ phóng tên lửa di động cũng rất khó thực hiện. Với việc quá tập trung vào CVID, có một nguy cơ hiện hữu là những tiến triển đạt được gần đây có thể nhanh chóng tiêu tan.

Cộng đồng quốc tế cần thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, không một thỏa thuận nào như vậy có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, bằng việc chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa, cộng đồng quốc tế có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn hơn, một viễn cảnh quan trọng: Dẫn dắt để giúp Bình Nhưỡng hiện thực hóa tham vọng trở thành một nhà nước bình thường, để từ đó gạt bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cuối cùng, một CHDCND Triều Tiên bình thường sẽ thực hiện tốt nguyên tắc CVID, nhưng CVID tự nó sẽ không thể mang lại một CHDCND Triều Tiên bình thường được.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/da-den-luc-noi-long-trung-phat-chdcnd-trieu-tien-515085/