Đã đến lúc nối lại đối thoại với Triều Tiên

Sau thất bại tại cuộc hội đàm cấp chuyên gia Mỹ-Triều ở Stockholm (Thụy Điển) tháng 10/2019, Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ thực hiện 'một cách mới' để đối phó với các lệnh trừng phạt và tăng cường 'sự kiềm chế chiến lược' trừ khi Mỹ có một 'cách tính toán khác' được Bình Nhưỡng chấp nhận. Bất chấp những khó khăn kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Triều Tiên vẫn tiếp tục mở rộng và hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của mình, bao gồm đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, hệ thống phóng tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng được cho là đang hoàn thiện cả các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bệ phóng đa nòng và súng trường siêu lớn.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Bình Nhưỡng luôn kiên định quan điểm cho rằng Washington phải từ bỏ "chính sách thù địch", coi đây là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán hạt nhân Triều-Mỹ. Triều Tiên trước hết muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, tăng cường bảo đảm an ninh và tiến tới từng bước bình thường hóa quan hệ song phương. Trong khi đó, Mỹ ấn định cuộc chơi bằng quy tắc "phi hạt nhân trước, dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau". Washington không chấp nhận cách xử lý "theo giai đoạn với những hành động trả đũa đối nhằm cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa". Triều Tiên từ chối lời đề nghị của Mỹ về "một tương lai tươi sáng của Triều Tiên" sẽ đến sau khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Với cách tiếp cận này, Mỹ sẽ không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề.

Theo chuyên gia Tong Kim, Giáo sư thỉnh giảng của trường Đại học nghiên cứu về Triều Tiên và trường Đại học Korea (Hàn Quốc), đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu quan hệ Hàn-Mỹ (IKAS), có một vài cách tiếp cận mới và khá sáng tạo có thể tiếp tục tạo dựng Tuyên bố chung Singapore năm 2018 đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên về "hoàn thành tiến trình phi hạt nhân hóa". Ví dụ, Washington có thể đề nghị việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần cơ sở tên lửa hạt nhân và đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đây có thể được coi là một giải pháp khá khả quan trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, liên minh Hàn-Mỹ cũng phải tìm cách giảm bớt mức độ các cuộc tập trận chung thường niên (dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới) hoặc hoãn các cuộc tập trận này tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11/2020), coi đây như một sáng kiến để kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Việc trì hoãn sự chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) từ Mỹ cho Hàn Quốc do thay đổi lịch tập trận trên sẽ giúp làm cân bằng lại tình hình, giảm thiểu căng thẳng và tái khởi động các cuộc đàm phán.

Ngoài ra, có thể còn có các cách khác mà Mỹ có thể trao thêm cơ hội cho Triều Tiên như tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên hoặc trao đổi văn phòng liên lạc tại mỗi nước, coi đó là bước đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ dọn đường cho các cuộc đàm phán trong một chế độ hòa bình, song song với hoặc như một phần của tiến trình đàm phán hạt nhân.

"Tháng 10 đầy ngạc nhiên" với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba sẽ chẳng thể diễn ra nếu Bình Nhưỡng không sẵn sàng thỏa hiệp, điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang rất cần cho nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Cũng khó có thể xảy ra khả năng Bình Nhưỡng sẽ gửi "Quà Giáng sinh" đến Mỹ trước tháng 11 tới. Triều Tiên đã tuyên bố "không có trách nhiệm phải tự mình thực hiện việc tạm dừng hoạt động thử nghiệm vụ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa".

Giáo sư Tong Kim kết luận việc phá bỏ thế bế tắc đàm phán hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh các mối đe dọa đang gia tăng cần phải được chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xóa bỏ hoàn toàn hiểm họa hạt nhân Triều Tiên là công việc không thể "diễn ra trong ngày một ngày hai" trừ khi tiến hành chiến tranh. Vì vậy, đối thoại và thương lượng vẫn là giải pháp duy nhất nên được các bên tiếp tục sử dụng để giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/da-den-luc-noi-lai-doi-thoai-voi-trieu-tien-130946.html