Đã đến lúc, mô hình doanh nghiệp xã hội cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn

QĐND Online - Ngày 21-8, Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), Hội đồng Anh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức tọa đàm: “Khởi nghiệp với doanh nghiệp xã hội (DNXH): Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Tọa đàm được tổ chức với hy vọng góp phần lan tỏa phong trào DNXH tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các DNXH kết nối, chia sẻ kiến thức, nguồn lực và nhân rộng mô hình.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, mô hình kinh doanh của Tòhe và Dichung, là những DNXH điển hình đã bước đầu thành công ở Việt Nam được giới thiệu chi tiết với những câu chuyện liên quan đến khó khăn, thách thức, thất bại, thành công… trong quá trình khởi tạo và vận hành.

Mô hình DNXH là một cơ hội phát triển sự sáng tạo trong kinh doanh. Làm thế nào để phát triển các ý tưởng và gây dựng một DNXH? Những điều kiện gì để thành công? Huy động các nguồn lực, hỗ trợ và đầu tư như thế nào? Bối cảnh quốc tế và thực tiễn Việt Nam… Với phần trình bày của các diễn giả, chia sẻ của các điển hình DNXH và thảo luận từ phía khán giả, tọa đàm đã mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về hình thức kinh doanh mới mẻ này.

Trong ba thập niên trở lại đây, phong trào DNXH đã phát triển mạnh ra khỏi biên giới các quốc gia và trở thành một vận động xã hội có quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Theo các nghiên cứu thống kê, DNXH đang hoạt động mạnh mẽ ở tất cả các khu vực trên thế giới. Nước Anh là nơi DNXH ra đời sớm nhất và có phong trào DNXH phát triển nhất hiện nay. Nước Anh hiện giữ vị trí tiên phong về phong trào DNXH trên thế giới. Theo số liệu được trích dẫn rộng rãi, tính tới năm 2005, nước Anh có 55.000 DNXH, với tổng doanh thu đạt 27 tỷ bảng, đóng góp 8,4 tỷ bảng/ năm vào GDP, sử dụng 475.000 lao động và 300.000 tình nguyện viên, chiếm 5% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp.

DNXH là một khái niệm rất mới ở Việt Nam, mặc dù ở thời điểm hiện tại trên cả nước đã có ít nhất gần 200 tổ chức được cho là đang hoạt động đúng theo mô hình DNXH và một trong các DNXH điển hình và tiên phong được biết đến rộng rãi là Nhà hàng KOTO được thành lập ở Hà Nội từ năm 1999.

Sau khi phân tích các đặc điểm chính của loại hình DNXH, các diễn giả tham gia tọa đàm đều chỉ ra sự cần thiết của loại hình doanh nghiệp này trong điều kiện hiện nay. Bà Cao Thị Ngọc Bảo, Giám đốc các Chương trình Phát triển và Xã hội, Hội đồng Anh Việt Nam đã chỉ ra một loạt những nguyên nhân cần thiết phát triển DNXH tại Việt Nam, đó là: Sự tăng trưởng nhanh dẫn đến các vấn đề xã hội gia tăng; sự lạm dụng quá mức nguồn tài nguyên; tác động tiêu cực của biến đối khí hậu, sự già hóa dân số…

Từ thực tế này, các diễn giả đều thống nhất chỉ ra, đã đến lúc, mô hình kinh doanh mới mẻ này cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức)...

Tin, ảnh: XUÂN DŨNG

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/trong-nuoc/da-den-luc-mo-hinh-doanh-nghiep-xa-hoi-can-nhan-duoc-nhieu-su-quan-tam-hon/317792.html