Đã đến lúc 'khai tử' xe 4 bánh có gắn động cơ?

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị xem xét, đề xuất cấp thẩm quyền quy định hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất xe 4 bánh có gắn động cơ (gồm cả 2 loại dùng chở hàng và dùng chở người). Lý do là vì thị trường đã có nhiều loại xe tải trọng tương đương nhưng chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tốt hơn loại xe này.

Chất lượng rất kém, nhanh xuống cấp; hầu hết khi đưa vào kiểm định đều không đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; các lỗi thường gặp khi kiểm định là: Hệ thống lái, hệ thống phanh không đạt tiêu chuẩn quy định; chủ phương tiện tự ý thay đổi kết cấu thùng xe, khung xe, động cơ xe, lốp xe; cabine không đúng thiết kế đã đăng ký... cũng là những vấn đề được đặt ra để nói rõ hơn về lý do cần hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất xe 4 bánh có gắn động cơ.

Chưa kể TP Hồ Chí Minh cũng nói rõ là các chủ phương tiện thường xuyên dùng loại xe này để chở hàng cồng kềnh, chở quá tải trọng cho phép và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị; một số trường hợp người điều khiển xe không có bằng lái phù hợp (B2) khi chở hàng.

Nhân đề xuất này, UBND TP Hồ Chí Minh cũng nêu kiến nghị nếu vẫn tiếp tục sản xuất thì cần bổ sung những quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe 4 bánh có gắn động cơ được sản xuất, lắp ráp, đảm bảo tương đương với ôtô các loại; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định về niên hạn sử dụng; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với loại phương tiện này... Có thể nói, đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh, và nếu tới đây còn có thêm đề xuất từ các địa phương khác nữa, thì khả năng xe 4 bánh có gắn động cơ sẽ sớm bị "khai tử".

 Xe 4 bánh có gắn động cơ có chất lượng rất kém, nhanh xuống cấp; hầu hết khi đưa vào kiểm định đều không đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Xe 4 bánh có gắn động cơ có chất lượng rất kém, nhanh xuống cấp; hầu hết khi đưa vào kiểm định đều không đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Nhưng nói đến xe 4 bánh có gắn động cơ thì rất cần phải nhắc đến vai trò lịch sử của nó. Bởi loại xe này không tự nó nhảy vào đời sống, mà bởi dạo năm 2009 cần phương tiện để thay thế các loại xe công nông và xe 3-4 bánh tự chế nên Chính phủ chấp thuận cho thí điểm sản xuất, lắp ráp loại xe này. Tại TP Hồ Chí Minh, những chiếc xe này mang biển số 50TĐ và đến cuối năm 2019 thì toàn TP đang quản lý 2.990 xe.

Khi được sản xuất để phục vụ thí điểm, Bộ GTVT gọi nó là “xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ”. Điều đặc biệt của nó là được lưu thông ở làn đường dành cho xe 2-3 bánh nên mới nảy sinh chuyện không ai biết gọi nó là ôtô hay môtô, vì hình dạng thì ôtô nhưng việc chấp hành các quy định của hệ thống báo hiệu đường bộ và xử phạt các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông lại như xe môtô 3 bánh.

Đến ngày 13-5-2014, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, loại xe này phải chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, mức xử phạt theo quy định của loại phương tiện tương tự xe ôtô tải có tải trọng dưới 3.500 kg.

Từ ngày 1-1-2015, người điều khiển xe này cũng phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên. Xe phải đạt yêu cầu kỹ thuật qua đăng kiểm thì mới được cấp giấy chứng nhận lưu hành và dán tem lưu hành. Chủ xe phải đem xe đi đăng kiểm cứ 6 tháng/lần.

Như vậy, sự xuất hiện của loại xe này là gắn với một thực tiễn về nhu cầu dân sinh. Theo một báo cáo vào cuối năm 2013 của Bộ GTVT thì thời điểm đó đã có hơn 7.000 xe được lắp ráp và hơn 6.000 chiếc được bán ra trên thị trường cả nước. Bây giờ số lượng hẳn đã gấp nhiều lần, chứng tỏ một nhu cầu có thật.

Một thời, người dân từng sử dụng xe 3-4 bánh tự chế đã đổ xô mua loại xe này do mức giá chỉ từ 60-70 triệu đồng/chiếc lại dễ điều khiển hơn xe tải. Bởi vậy, việc tiếp tục để loại xe này tồn tại hay "khai tử" cũng phải xuất phát từ thực tiễn và phải tính đến nhu cầu dân sinh. Nói thế để thấy trong hành trình tiến tới đô thị văn minh thì không thể chấp nhận một loại phương tiện "nửa nạc, nửa mỡ" đến nỗi cái tên để định danh cũng không mấy rõ ràng. Chưa kể đúng là thị trường càng ngày càng có nhiều loại xe tải trọng tương đương nhưng chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tốt hơn. Cho nên với đề xuất của TP Hồ Chí Minh thì đúng là nên ủng hộ.

Nhưng loại xe này hiện nay đã nên "khai tử" chưa khi mà nhu cầu sử dụng là có thật, chưa kể trong nhiều trường hợp còn gắn với đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn mà Nhà nước hiện vẫn chưa thể giúp họ chuyển đổi được nghề nghiệp, bản thân họ cũng khó để tiếp cận những loại xe tương tự tuy chất lượng hơn nhưng giá cả quá cao? Các loại xe công nông và xe 3-4 bánh tự chế dù chủ trương “khai tử” đã hơn 10 năm qua nhưng hiện vẫn được sử dụng khá nhiều ở vùng ven đô thị, vùng nông thôn.

Rồi nếu nói loại xe này hay chở hàng cồng kềnh, quá tải trọng cho phép, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị; một số trường hợp người điều khiển không có bằng lái phù hợp (B2) khi dùng loại xe này chở hàng... thì những lỗi này có cái là thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, có lỗi thuộc về chủ xe hoặc người điều khiển xe... chứ không phải lỗi của xe.

Cho sản xuất, rồi lưu hành thí điểm, muốn hay không cũng cần được tổng kết để soi chiếu trên nhiều phương diện. Nếu nhu cầu thực sự vẫn còn mà chỉ vướng mắc về thủ tục, quy chuẩn thì cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng quan trọng là phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Lương Duy Cường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/da-den-luc-khai-tu-xe-4-banh-co-gan-dong-co-610259/