Đã đến lúc chuyên nghiệp theo xu hướng quốc tế

Sau thành công của U23 Việt Nam và đặc biệt là đội tuyển quốc gia Việt Nam ở khắp các giải đấu trong hơn một năm qua, nền bóng đá nước ta cũng nhận những ảnh hưởng tích cực. Trong đó, vấn đề từ lâu đã là một câu chuyện nhạy cảm và đầy mâu thuẫn như chuyển nhượng cầu thủ cũng dần đi đúng với xu hướng quốc tế.

Những bất cập trong quá khứ

Ở một quốc gia thuộc vùng trũng bóng đá Đông Nam Á như Việt Nam, tổ chức một giải đấu quy củ đã là thứ đổ biết bao công sức mà vẫn còn chới với. Do đó, mong muốn có một thị trường chuyển nhượng như đúng nghĩa của nó – nơi các đội minh bạch tài chính, đàm phán với nhau về tương lai của cầu thủ, chỉ có tiền chuyển nhượng chứ không có tiền “lót tay”..., thực tế rất xa xỉ.

Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta có quá ít thời gian để làm quen với từ “chuyên nghiệp”. Trong khi các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đã làm quen với khái niệm kỳ chuyển nhượng, rồi kỳ chuyện nhượng mùa Đông, kỳ chuyển nhượng mùa Hè từ đầu những năm 1990 thì mãi sau này, cụ thể là 14 năm, Việt Nam mới có bước đi đầu tiên.

Xúc động hình ảnh Văn Lâm chia tay lãnh đạo CLB bóng đá Hải Phòng.

Năm 2004, bóng đá Việt Nam bắt đầu có cú đột phá đầu tiên trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ khi tiền vệ Trần Trường Giang của Tiền Giang sau khi chơi rất thành công ở Tiger Cup 2002 đã được đội Bình Dương mua về với giá 1 tỉ đồng và được trả mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Nhưng kể từ cột mốc đó, những thương vụ sau này đều mang một màu sắc “riêng tư”. Tức là các đội bóng âm thầm đàm phán với nhau không có sự góp mặt của truyền thông và phần lớn trong số các thương vụ đều có tiền “lót tay” chảy thẳng vào túi những người có liên quan.

Điều này dẫn đến một giai đoạn mà giá trị các cầu thủ bị đẩy lên tới mức không tưởng, vượt xa giá trị chuyên môn thực. Trước tình hình này, bầu Đức của HAGL từng cho biết: “Chúng tôi làm bóng đá nhưng không chạy theo giá trị ảo của cầu thủ một cách vô tội vạ.

Tín hiệu tích cực từ thành công quốc tế

Nhưng thị trường chuyển nhượng cầu thủ cũng như bóng đá Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi chung. Thành công của các cấp độ đội tuyển trong hơn một năm qua khiến cả thế giới phải chú ý tới chúng ta. Truyền thông trong nước và quốc tế nhập cuộc mạnh mẽ hơn, các đội bóng bên ngoài biên giới cũng nghiêm túc chú ý hơn tới các tài năng người Việt. Đó là lý do sự “chuyên nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu.

Những tín hiệu tích cực ngay lập tức xuất hiện. Với những người quan tâm tới các tài khoản xã hội của thủ môn Đặng Văn Lâm, chắc hẳn không thể bỏ qua bài đăng với lời lẽ chan chứa: "Bốn năm không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng không là ngắn đối với sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp, Lâm biết rõ điều ấy”.

“Hải Phòng chính là nơi giúp Lâm thực hiện được ước mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cũng là cây cầu nối đưa Lâm đến với đội tuyển quốc gia để có được những thành công và vị trí như ngày hôm nay. Xin cảm ơn lãnh đạo CLB bóng đá Hải Phòng, HLV trưởng Trương Việt Hoàng, HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh, các thành viên trong BHL cùng tập thể anh em cầu thủ đội bóng”.

Đó chính là lời chia tay chính thức của Văn Lâm dành cho Hải Phòng trước khi anh chuyển sang đội bóng Muangthong United thuộc Thai League (giải VĐQG Thái Lan) theo hợp đồng 3 năm bắt đầu từ mùa 2019. Để mua lại một năm hợp đồng của Văn Lâm với Hải Phòng, đội bóng nước láng giềng đã phải bỏ ra 500.000 USD (hơn 11,6 tỉ đồng).

Ngoài chế độ nhà, xe riêng cùng mức lương hơn 10.000 USD/tháng, Văn Lâm còn được thưởng riêng như bất kỳ cầu thủ nào khác của Muangthong, tùy theo thành tích vào cuối mùa giải của đội bóng tại Thai League. Tất cả đều được đàm phán công khai và thông tin minh bạch trên truyền thông.

Nhiều người còn nói đùa rằng may cho Muangthong là họ chiêu mộ Văn Lâm trước thềm Asian Cup 2019. Chứ nếu để sau giải đấu đại thành công đó mới tiến hành đàm phán thì chưa chắc Muangthong đã có được Văn Lâm dễ dàng đến thế và cái giá lúc đó cũng gấp nhiều lần con số 500.000 USD. Nhìn chung, tất cả khán giả Việt Nam đều mừng cho Văn Lâm sau khi biết những thông tin trên và đó chính là sự chuyên nghiệp mà bóng đá chúng ta đang hướng tới.

Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện nóng nhất những ngày qua chắc chắn là tương lai của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Và chính sự vào cuộc gắt gao của truyền thông đã tạo nên những điều chưa từng có tiền lệ hoặc hiếm hoi của bóng đá Việt Nam.

Chỉ trong một ngày 28-1-2019, tương lai của Tiến Dũng thay đổi liên tục từ HAGL, Viettel tới CLB Hà Nội. Đương nhiên, không phải Tiến Dũng di chuyển nhiều đến vậy mà chính là các tin đồn đã đi trước anh. Từ những phát ngôn của giới thạo tin, một nhân vật có ảnh hưởng lớn livestream trên mạng xã hội tới cả lời phủ nhận chính thức của CLB Hà Nội ít giờ trước khi... công bố thông tin chính thức. Sau tất cả, rốt cuộc Tiến Dũng cũng chia tay Thanh Hóa để gia nhập CLB Hà Nội với bản hợp đồng một năm.

Hai trường hợp kể trên chỉ là những nét tiêu biểu của một bức tranh chuyển nhượng đang dần lên khung “chuyên nghiệp” của bóng đá Việt Nam. Khi tất cả đều xác định một tư duy kinh doanh đàng hoàng, chính người hâm mộ sẽ được hưởng lợi với những trận cầu mãn nhãn.

Thanh Hóa: Nhiều “trụ cột” chia tay

"Đã đến lúc Dũng cần ra đi để tìm cho mình một thử thách mới với bản thân. Dũng tin rằng Thanh Hóa luôn là nơi tuyệt vời để nói về bóng đá. Từ sâu trong tim, Dũng hy vọng CLB quê hương mình vẫn luôn phát triển và tin rằng thành công sẽ đến nhiều hơn nữa trong tương lai", Tiến Dũng viết tâm thư trên mạng xã hội sau khi chia tay Thanh Hóa. Tuy nhiên, hy vọng đội bóng quê hương có thể tiếp tục phát triển của Tiến Dũng gặp trở ngại rất lớn.

Bởi lẽ, không chỉ có một mình Tiến Dũng chia tay Thanh Hóa. Trước anh, một loạt “trụ cột” khác cũng dứt áo ra đi là Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn và Ngô Hoàng Thịnh. Thậm chí, đến HLV Nguyễn Đức Thắng cũng đã đề đạt nguyện vọng ra đi.

Viettel chiêu binh mạnh mẽ

Trong khi Thanh Hóa liên tục mất người thi đội bóng mới thăng hạng V.League là Viettel lại liên tục có những hoạt động mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng. Trong nỗ lực cải thiện chất lượng hàng hậu vệ, Viettel đã có sự bổ sung chất lượng là Quế Ngọc Hải từ Sông Lam Nghệ An. Như vậy, hàng thủ mùa tới của Viettel sẽ là bộ đôi trụ cột của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019: Tiến Dũng - Ngọc Hải. Trước đó, Viettel cũng nhanh tay mang về thành công tiền vệ tấn công xuất sắc Vũ Minh Tuấn từ Thanh Hóa.

Quan trọng nhất, nhiều khả năng Viettel sẽ có HLV mới, đó là Lee Heung-sil - chiến lược gia từng dẫn dắt CLB Jeonbuk Hyundai (K.League) và Asan Police (K.League 2). Đáng chú ý khi ông Lee Heung Sil từng là cầu thủ khoác áo ĐTQG Hàn Quốc tại World Cup 1990 và thú vị hơn khi ông cùng HLV Park Hang-seo từng được lựa chọn vào đội hình tiêu biểu giải VĐQG Hàn Quốc năm 1986.

Hà My

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/da-den-luc-chuyen-nghiep-theo-xu-huong-quoc-te-531456/