Đã đến lúc chấm dứt sự chờ đợi!

Tính từ thời điểm bóng đá Việt Nam chính thức hội nhập trở lại với khu vực và quốc tế năm 1991, các đội tuyển bóng đá nam đã tham dự đầy đủ tất cả các kỳ SEA Games nhưng chưa một lần lên ngôi vô địch.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đang đứng trước sức ép rất lớn trước khi chính thức bước vào hành trình tại SEA Games 30 tại Philippines, sự chờ đợi đơn giản là quá dài.

Ngưỡng cửa thiên đường

Những con số thống kê từ SEA Games 1991 đến nay quá đủ để “xát muối” vào lòng các cổ động viên (CĐV) bóng đá Việt Nam. Tổng cộng 14 kỳ SEA Games tính đến năm 2017, từ Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đến U23 rồi U22, các đội tuyển đã vào bán kết 9 lần, trong đó vào chung kết 5 lần (các năm 1995, 1999, 2003, 2005, 2009) và bị loại từ vòng bảng 5 lần (các năm 1991, 1993, 2001, 2013, 2017).

5 lần vào chung kết, các đội tuyển Việt Nam có đến 4 lần “gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường” trước Đội tuyển Thái Lan (1995, 1999, 2003, 2005) và 1 lần trước Malaysia (2009). Thật dễ hiểu vì sao Thái Lan luôn là đội bóng mà mọi CĐV bóng đá Việt Nam đều muốn đánh bại. Các thế hệ từ Natipong, Kiatisuk đến Thonglao, Teerathep… đều từng là thử thách lớn nhất cho tham vọng đổi màu huy chương của các cầu thủ Việt Nam.

SEA Games 1995 có thể xem là một bước ngoặt với bóng đá Việt Nam bởi với thành tích lọt vào chung kết giải đấu này, ĐT Việt Nam chính thức được xem là một thế lực đáng gờm trong khu vực.

Khái niệm “thế hệ vàng” được ra đời với những tên tuổi lừng danh như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến, Trần Công Minh, Huỳnh Quốc Cường... Để thua Thái Lan 0-4 ở trận chung kết nhưng đây có thể xem là một cột mốc của bóng đá Việt Nam.

Nhiều thế hệ của bóng đá Việt Nam đã gục ngã khi chỉ còn cách tấm HCV 1 bước.

Nhiều thế hệ của bóng đá Việt Nam đã gục ngã khi chỉ còn cách tấm HCV 1 bước.

4 năm sau tại SEA Games 1999 trên đất Brunei, “thế hệ vàng” trong tay HLV Alfred Riedl đã ở độ chín. Việt Nam tiến vào trận chung kết một cách rất thuyết phục khi không để thủng lưới 1 bàn nào. Nhưng một lần nữa, người Thái lại chiến thắng ở trận đấu cuối cùng. Đó cũng là kỳ SEA Games cuối cùng của các ĐTQG. Từ SEA Games 2001, môn bóng đá nam được dành cho các đội U23.

SEA Games 2003 được tổ chức trên sân nhà là một cơ hội lớn để U23 Việt Nam đem về tấm HCV đầu tiên. HLV Alfred Riedl trở lại và trong tay ông là một thế hệ mới đầy tài năng với cái tên nổi bật nhất là Phạm Văn Quyến. Với Quyến “béo” là trung tâm cùng với những cái tên sau này trở thành trụ cột của ĐTQG như Huy Hoàng, Minh Phương, Tài Em, Quốc Vượng, Thanh Bình, Công Vinh…

U23 Việt Nam không gặp khó khăn trên đường vào chung kết. Nhưng rồi trong một đêm tháng 12 lạnh giá tại Mỹ Đình, lại là người Thái khiến cho 4 vạn khán giả tại Mỹ Đình chết lặng khi có bàn thắng vàng của Nattaporn trong hiệp phụ.

2 năm sau tại Balcolod, U23 Việt Nam lại tiến đến trận chung kết và thêm một lần bị Thái Lan đánh bại, nhưng giải đấu năm ấy lại được nhớ đến như là vết nhơ của bóng đá Việt với đại án bán độ của các cầu thủ, đứng đầu là những ngôi sao hàng đầu thời điểm bấy giờ là Quốc Vượng, Văn Quyến. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, Việt Nam vẫn chưa có HCV bóng đá nam SEA Games trong khi mất đi một lứa cầu thủ đang ở độ tuổi sung mãn nhất.

Năm 2009 cũng là lần gần nhất Việt Nam lọt vào chung kết bóng đá nam SEA Games. Đó là thời điểm mà các CĐV đang tràn đầy tự tin khi ĐTQG vừa vô địch AFF Cup lần đầu tiên trước đó 1 năm.

Cảm giác về “vận mệnh lịch sử” càng rõ ràng hơn khi người Thái không còn là đối thủ ở trận đấu cuối cùng. U23 Việt Nam chỉ phải đối đầu với Malaysia, đội bóng mà ở vòng bảng các học trò của Henrique Calisto dễ dàng vượt qua với tỷ số 3-1.

Vậy mà ở trận chung kết, cú đá phản lưới nhà khi trận đấu chỉ còn có 5 phút của Mai Xuân Hợp giống như nhát dao cứa vào lòng các CĐV Việt Nam. Chẳng gì có thể miêu tả được nỗi thất vọng khủng khiếp khi thêm một lần nữa, tấm Huy chương Bạc lại là thứ mà các cầu thủ nhận về.

Chờ phép màu thầy Park

10 năm đã trôi qua cùng 4 kỳ SEA Games, Việt Nam chỉ có thêm một tấm Huy chương Đồng năm 2015. Giấc mơ đổi màu huy chương vẫn còn nguyên ở đó, nhức nhối và ám ảnh. Các CĐV vẫn luôn chờ đợi mỗi khi SEA Games diễn ra, nhưng rồi kịch bản chung lại lặp lại, chỉ khác nhau là nỗi thất vọng đến sớm hay đến muộn.

Giấc mơ vàng SEA Games trở thành nỗi khát khao chung của tất cả các cầu thủ. Đỗ Hùng Dũng, người đã có nhiều chức vô địch V.League cùng Hà Nội FC và đăng quang cùng ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018 vẫn nói rằng anh cảm thấy hồi hộp khi được lựa chọn là 1 trong 2 người quá tuổi dự SEA Games 30.

Đơn giản, tất cả những trải nghiệm và áp lực ở giải đấu này đã được những đàn anh của Dũng “chíp” tại Hà Nội FC như Văn Quyết và Thành Lương truyền cho các đàn em như một lời gửi gắm vào tương lai.

Quang Hải và các đồng đội đã sẵn sàng cho chiến dịch SEA Games 30.

Chưa bao giờ, sự kỳ vọng lại lên cao như ở thời điểm này. Những thành công liên tiếp cùng bóng đá Việt Nam suốt thời gian qua của HLV Park Hang-seo đủ để tất cả các CĐV Việt Nam tin rằng “thời cơ” đã đến.

Trong tay HLV Park Hang-seo lúc này là một đội ngũ xuất sắc, ngoại trừ những chấn thương bất khả kháng của Văn Đức và Đình Trọng thì U22 Việt Nam lúc này có đầy đủ những yếu tố để tự tin vào khả năng giành tấm HCV.

Những trụ cột của U22 như Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Linh đều đã được thử thách ở những trận đấu căng thẳng cấp khu vực và châu lục, họ sẽ có thêm sự trợ giúp của hai tuyển thủ vừa kinh nghiệm vừa tràn đầy nhiệt huyết là Trọng Hoàng và Hùng Dũng.

Không khó để dự đoán đoàn quân của HLV Park Hang-seo vẫn sẽ trung thành với chiến thuật phòng ngự phản công sở trường đã làm nên thành công trong suốt thời gian qua. Đội hình của U22 sẽ không khác nhiều so với ĐTQG khi sơ đồ 3 trung vệ được sử dụng.

Những buổi tập gần đây nhất của U22 Việt Nam trước khi lên đường sang Philippines cũng đã hé lộ phần nào các lựa chọn tối ưu của thầy Park. Trong khung gỗ là Bùi Tiến Dũng, các trung vệ Đức Chiến, Thành Chung, Tấn Tài; Trọng Hoàng và Văn Hậu đá biên; cặp tiền vệ trung tâm là Hùng Dũng và Triệu Việt Hưng; thủ quân Quang Hải và Hoàng Đức sẽ đá phía sau trung phong cắm Tiến Linh.

Tất nhiên HLV Park sẽ không sử dụng đội hình này trong mọi trận đấu. Với lịch thi đấu có mật độ 2 ngày/trận, việc xoay vòng lực lượng là điều chắc chắn. Những phương án B luôn là điểm mạnh của chiến lược gia Hàn Quốc và các CĐV sẽ sớm được thấy điều đó khi môn bóng đá nam SEA Games bắt đầu.

Một lần nữa, chúng ta lại đặt niềm tin!

U22 Thái Lan tổn thất nghiêm trọng

U22 Thái Lan dưới sự dẫn dắt của HLV Nhật Bản Akira Nishino vẫn là đối thủ đáng gờm nhất với Việt Nam trong hành trình chinh phục chiếc HCV SEA Games. Ngay trước giải đấu, những thông tin lực lượng cho thấy người Thái đang gặp bất lợi.

Tiền vệ Ekanit Panya, một trong những trụ cột quan trọng nhất của U22 Thái Lan, đã dính chấn thương đứt dây chằng đầu gối và không thể tham dự SEA Games.

Ekanit đã tham dự trận Thái Lan hòa Việt Nam 0-0 ở vòng loại World Cup 2022 hôm 19/11. Ở trận đấu đó, rời sân nhường chỗ cho Sivakorn Tiatrakul ở phút 86. Sau đó cầu thủ sinh năm 1999 được điền tên vào danh sách 20 thành viên U22 Thái Lan dự SEA Games. Anh cùng Supachok Sarachat, Supachai Jaided và Suphanat Mueanta là bốn tuyển thủ quốc gia Thái Lan có mặt trong danh sách.

Đến ngày 22/11, Ekanit được bác sĩ chẩn đoán đứt dây chằng đầu gối và phải nghỉ thi đấu hai tháng. Tất nhiên, chấn thương này khiến anh không thể dự SEA Games. HLV Akira Nishino càng gặp khó khăn hơn khi U22 Thái Lan không thể bổ sung cầu thủ thay thế. Theo quy định của BTC SEA Games, các đội sau khi chốt danh sách, chỉ được thay một thủ môn dự phòng.

U22 Việt Nam đã có buổi tập đầu tiên trên đất Philippines chiều 23/11. Toàn đội đều đang rất tự tin hướng đến giải đấu trước mắt. Điều này được thể hiện rõ qua phát biểu của Đỗ Hùng Dũng khi được hỏi về đối thủ Thái Lan: “Thái Lan cũng chỉ là một đội bóng mà chúng ta phải gặp tại SEA Games năm nay. Muốn giành HCV chúng ta phải đánh bại tất cả, không chỉ Thái Lan. Chúng tôi tôn trọng họ, cũng như các đội bóng khác, nhưng không bao giờ có sự sợ hãi”.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/da-den-luc-cham-dut-su-cho-doi-571769/