Đã đến cúng rằm tháng Giêng, có phải ai cũng biết ý nghĩa ngày này?

Rằm tháng Giêng là ngày lễ lớn của người Việt Nam nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này không phải ai cũng biết.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, rằm tháng Giêng thường gọi là Tết muộn. Trước đây, những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn.

Vào năm Mậu Tuất 2018, lễ rằm tháng Giêng sẽ rơi vào thứ 5 ngày 1.3.2018 và thứ 6 ngày 2.3.2018. Ngày chính rằm (ngày 15 âm lịch) là ngày Quý Tỵ, tháng Giáp Dần.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh. Ảnh: NVCC

Còn những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường. Những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, có dịp ăn Tết sau khi khỏe mạnh hoặc các gia đình có tang sự vào dịp Tết Nguyên Đán thì nay được ăn Tết bù.

Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên Đán.

Với Phật Giáo thì Đại lễ rằm tháng Giêng không chỉ là ngày Tết mà còn gọi là ngày Pháp Bảo. Ngày này liên quan đến Phật tích là kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết Kinh Giải thoát tại Thánh hội Tăng Già trong vườn Trúc Lâm.

"Vì ý nghĩa quan trọng đó nên nhiều nơi vào dịp rằm tháng Giêng mọi người thường đến chùa sắm lễ thanh tịnh dâng cúng Phật. Tham gia làm nhiều việc công đức để cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên Thần Thánh gia hộ cho cả gia đình một năm bình an, hạnh phúc và thịnh vượng" - ông Khanh nói.

Ngày rằm tháng Giêng dân chúng lên chùa cúng dâng lễ vật thanh tịnh, làm lễ phóng sinh tạo phúc. Nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu quốc thái dân, cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia trì cho mọi người được một năm an lành, hạnh phúc, nghiệp chướng tiêu trừ, và thành đạt như ý, làm thêm nhiều việc công đức lành.

Đây là điều kiện thuận lợi để khởi đầu mọi việc trong một năm mới. Ngày xưa, vào ngày này nhà vua và triều thần tổ chức “hội xuống đồng” và “hội khai ấn”.

Với Việt Nam và các nước trồng lúa nước, ngày rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Vì đến thời điểm này thời tiết rất tốt, bắt đầu bớt lạnh, mọi vật đều trong trạng thái rất sung mãn.

Đêm rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi nơi kết hoa treo đèn tổ chức lễ hội, ngâm thơ, bình thơ, thư pháp, đấu vật, đấu cờ người và các môn thể thao truyền thống.

Do vậy, người ta mới có câu: “Cúng lễ quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng”.

Tuy nhiên, theo ông Khanh hiện nhiều nơi biến dịp này thành thành lễ Dâng sao giải hạn, đốt nhiều vàng mã, làm hình nhân thế mạng cầu tha lực, mang màu sắc mê tín. "Điều này cần phải khắc phục và loại bỏ khỏi nếp sống văn tâm linh của nhân dân ta" - TS Khanh nói.

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/da-den-ngay-ram-thang-gieng-co-phai-ai-cung-biet-y-nghia-ngay-nay-852922.html