Đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng vào nhà máy điện phân Nhôm Đắk Nông
Hiện, dự án nhà máy điện phân nhôm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông với nhiều kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, sau gần 10 năm kể từ thời điểm khởi công dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào khu công nghiệp Nhân Cơ (gọi tắt là khu công nghiệp Nhân Cơ) và nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, tổng giá trị các hạng mục, công trình liên quan đến 2 dự án đã thực hiện đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ trên 900 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương); nhà đầu tư dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luyện kim Trần Hồng Quân đã đầu tư xây dựng trên 2.100 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành đầu tư lưới điện mạch vòng 220 kV để cấp điện cho dự án với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.
Hiện, dự án nhà máy điện phân nhôm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông với nhiều kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương; tăng tỷ trọng và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông theo hướng công nghiệp, thương mại, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu bô xít hiện có... Việc chậm triển khai dự án tiếp tục kéo dài sẽ gây lãng phí rất lớn về nguồn lực đầu tư.
Liên quan tới các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, theo Sở Kế hoạch Đầu tư, dự án khu công nghiệp Nhân Cơ đã bị sự cố sụt lún, sạt trượt từ năm 2019 và đã tạm ngưng thi công từ đó đến nay. Đơn vị kiểm định đã báo cáo nguyên nhân kết quả giám định sự cố sụt trượt nhưng đến nay chưa có thông báo chính thức về kết quả kiểm định nguyên nhân sự cố công trình và chưa có giải pháp khắc phục theo quy định.
Thêm nữa, do quá trình tạm ngưng thi công kéo dài, nên đến nay dự án đã hết thời gian thực hiện (theo giấy chứng nhận đầu tư là hết năm 2022) và chưa được gia hạn; nguồn vốn bố trí đầu tư thực hiện hoàn thiện dự án khu công nghiệp Nhân Cơ năm 2024 và các năm trước đó không được bố trí. Quan trọng nhất, nguyên nhân sự cố công trình chưa được thông báo chính thức nên không có cơ sở để triển khai thực hiện, khắc phục, hoàn thiện.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, bên cạnh tổng vốn đầu tư vào nhà máy hơn 2.100 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án cũng đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ tháng 11/2015. Theo đó, EVN cam kết đảm bảo cung cấp đủ điện ổn định, lâu dài cho dự án và EVN cũng đã hoàn thành đầu tư lưới điện mạch vòng 220kV. Chủ đầu tư dự án này cũng đã ký kết với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hợp đồng nguyên tắc về mua, bán alumin từ tháng 10/2014. Theo đó, TKV cam kết cung cấp alumin cho dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông theo giá thị trường.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông ban hành kết luận thông báo nguyên nhân sự cố công trình dự án khu công nghiệp Nhân Cơ để có giải pháp khắc phục tiếp tục triển khai thi công hoàn thành. Đồng thời, hướng dẫn Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng các hạng mục đã thi công hoàn thiện để bàn giao cho nhà đầu tư lắp đặt thiết bị, đưa dự án dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đi vào vận hành.
Theo chủ đầu tư dự án, dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đang được chia làm 3 giai đoạn để lắp đặt trang thiết bị hoàn thiện. Giai đoạn 1 với công suất 150.000 tấn nhôm/năm đang bắt đầu hoàn thiện nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị trong các tháng 8 – 10/2024 và chính thức đi vào vận hành vào tháng 11/2025.
Giai đoạn 2 (tổng công suất đạt 300.000 tấn nhôm/năm) sẽ được khởi động vào tháng 11/2024 và hoàn thành vào tháng 6/2026. Giai đoạn 3 (tổng công suất đạt 450.000 tấn nhôm/năm) sẽ kết thúc đầu tư và đi vào vận hành vào tháng 9/2026.
Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có tổng mức đầu tư khoảng 690 triệu USD. Dự án có tổng diện tích khoảng 180 ha; trong đó sử dụng đất của toàn bộ nhà máy gần 130 ha, công suất thiết kế là 450.000 tấn nhôm/năm.