Đa dạng vốn đầu tư, tính giá điện theo thị trường để phát triển bền vững ngành năng lượng

Nhấn mạnh những giải pháp để thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, trước hết cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ cũng đã nhận thấy sự tham gia của khu vực tư nhân.

150 tỷ USD cho phát triển năng lượng đến năm 2030

Trong Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã cho rằng, thách thức trong giai đoạn tới của ngành năng lượng Việt Nam là thu hút được nguồn vốn đầu tư, ước tính khoảng 150 tỷ USD cho từ nay tới năm 2030.

Theo ông Dione, Việt Nam là câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành điện trong vài thập kỷ qua. Sự thành công này cũng đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tăng trưởng cao và bền vững, hiệu suất và giảm nghèo bền vững. Hai lĩnh vực được ông Ousmane Dione nhấn mạnh trong câu chuyện thành công chính là điện khí hóa nông thôn và cải cách ngành điện.

Ông Ousmane Dione, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Đại sứ Bruno Angelet (từ trái qua) đồng chủ trì phiên họp báo ngay sau khi Hội nghị Cấp cao Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam lần thứ 2 kết thúc

Sau 25 năm triển khai, tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% hồi năm 1993 lên đạt mức 99% vào năm 2018. Trong khoảng thời gian 25 năm đó, đã có hơn 14 triệu hộ gia đình với khoảng 60 triệu người được kết nối với lưới điện và đó là một thành tích, ông Ousmane Dione đánh giá.

Để đạt được điều này, yêu cầu về tài chính là rất lớn. Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, đã có 80 tỷ USD được đầu tư vào ngành điện ở các khâu phát điện, truyển tải và phân phối.

Mặc dù vậy nhưng ông Ousmane Dione cho rằng, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tạo Việt Nam hiện đạt 1.700 kWh/người/năm vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế, và hiện chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Australia. Với thực tế kinh tế tăng trưởng mạnh và điều kiện của người dân tốt hơn, việc tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, ước tính khoảng 8%/năm trong thập kỷ tới.

Điều này cũng đặt ra thách thức mới trong huy động vốn cho phát triển năng lượng nói chung, trong đó đặc biệt là điện. Theo tính toán được WB đưa ra, nhu cầu vốn cho phát triển điện ở Việt Nam từ nay tới năm 2030 là 150 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu huy động này đang gặp phải những thách thức lớn, mà cụ thể nhất là giá điện đang ở dưới mức thu hồi chi phí và EVN không nhận được trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ.

Ông Ousmane Dione cho biết thách thức trong giai đoạn tới của ngành năng lượng Việt Nam là thu hút được nguồn vốn đầu tư, ước tính khoảng 150 tỷ USD cho từ nay tới năm 2030

“Khoảng một thập kỷ trước, Chính phủ đã vạch ra một lộ trình rõ ràng để thực hiện cạnh tranh và tái cấu trúc ngành điện, chuyển từ cấu trúc thị trường độc quyền tích hợp theo chiều dọc sang thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh. Theo kế hoạch, năm 2020, thị trường điện bán buôn cạnh tranh sẽ hoạt động”, ông Ousmane Dione nhận xét.

Đa dạng vốn đầu tư, tính giá điện theo thị trường

Trong buổi họp báo ngay sau Hội nghị, chia sẻ với báo giới về những giải pháp để thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, trước hết cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ cũng đã nhận thấy sự tham gia của khu vực tư nhân vào điện là quan trọng.

"Đã có chính sách được ban hành để thu hút sự tham gia rộng hơn của các nhà đầu tư, giảm bớt đầu tư vốn nhà nước vào ngành điện" – Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.

Cũng theo nhận định của Thứ trưởng, giá điện sẽ theo hướng thị trường để ngành điện được hạch toán đúng và đủ, có lợi nhuận để tái đầu tư, gắn với kiểm soát chi phí, nâng cao quản trị.

Cụ thể, theo tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh), hiện cả nước có tổng công suất nguồn điện là 46.000 MW, trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 130.000 MW. Do vậy, để bổ sung nguồn điện lên tới 84.000 MW, cần có nguồn vốn lớn cho phát triển dài hạn lên tới 148 tỉ USD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, cùng với việc tăng cường đáp ứng nguồn cung thì phải kiểm soát nhu cầu. Đó là việc thực hiện có hiệu quả Luật Tiết kiệm và sử dụng năng lượng, xây dựng cơ chế bắt buộc và có chế tài đủ mạnh để sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thứ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của Chính phủ là giá điện phải theo hướng thị trường. Mục tiêu là để ngành điện hạch toán đúng và đủ, có lợi nhuận tái đầu tư phát triển, gắn với kiểm soát chi phí tối ưu, nâng cao quản trị.

Để thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước thì cũng cần sự tham gia của khu vực tư nhân

Còn theo ông Oussmane Dione - Giám đốc WB, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, đồng thời cũng tuân thủ các mục tiêu nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu đước cam kết, vấn đề lớn hiện nay của ngành điện là huy động vốn, ước tính 8 tỷ USD/năm.

Với mục tiêu giảm giảm sử dụng than cho phát điện trong tương lai, việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và mặt trời được cho là một trụ cột quan trọng. Tiếp đó là thúc đẩy phát triển khí tự nhiên và LNG; tăng đầu tư hiệu quả và thúc đẩy trao đổi năng lượng trong khu vực – đặc biệt với Lào và phía Nam Trung Quốc.

“Khu vực công và tài trợ ODA sẽ không đủ để đáp ứng các yêu cầu đầu tư lớn của ngành điện. Do đó, theo Sáng kiến huy động tối đa tài chính cho phát triển (MFD), WB đang đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm kiếm và đưa ra các giải pháp để huy động được nguồn vốn tư nhân và vay thương mại, phát hành trái phiếu phi Chính phủ “, ông Dione nói.

"Cần có tính minh bạch, đấu thầu minh bạch với công nghệ mới, có khung pháp lý để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đảm bảo các công ty điện chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận thị trường vốn. Có cơ chế đấu thầu điện mặt trời với cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện" - ông Dione nói.

Có nên phát triển nhiệt điện than?

Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc phát triển nhiệt điện than, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nguồn điện đảm bảo phát triển bền vững, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, các chuyên gia cũng có nhiều khuyến nghị đối với việc phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam.

“Nếu cho rằng nguồn điện than có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và "từ chối" thì có thể tác động ngay đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, nhiệt điện than nếu được đầu tư hợp lý, công nghệ tốt có thể ít ảnh hưởng môi trường. Với nhu cầu như hiện nay thì cần phải tính toán tối ưu chứ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng tái tạo”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu quan điểm.

Ông Bruno Angelet không đồng tình với việc đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than. Theo ông, cần giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng than sang các nguồn năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Bruno Angelet - Đại sứ liên minh châu Âu tại Việt Nam dẫn chứng, EU đã giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng than sang các nguồn năng lượng tái tạo, song vẫn phát triển kinh tế tốt. Do đó, theo ông cần thay đổi suy nghĩ chỉ nước giàu mới làm được điện tái tạo.

"Quan niệm giá than rẻ là không đúng. Ở nhiều quốc gia quan điểm đó không được chấp nhận, bởi nếu tính chi phí bên ngoài như xây dựng hạ tầng vận chuyển, trợ cấp xây dựng nhà máy điện, chi phí tổn hại sức khỏe... thì hơn nhiều" - ông Angelet khuyến nghị Việt Nam cần có quan điểm táo bạo hơn trong phát triển nguồn điện.

Theo đó, Đại sứ Bruno Angelet khuyến nghị cần phải có chính sách để tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà, phát triển năng lượng khí, có chính sách nhập khẩu điện và cải cách ngành điện nhiều hơn...

Phải hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng

Hạ Vũ

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/da-dang-von-dau-tu-tinh-gia-dien-theo-thi-truong-de-phat-trien-ben-vung-nganh-nang-luong-57575.htm