Đa dạng hóa phương thức thanh toán bảo hiểm y tế

Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi. Một trong những vấn đề nữa được nhiều người quan tâm là phương thức thanh toán khi tham gia BHYT.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù mới triển khai được 5 năm, nhưng Luật BHYT đã xuất hiện những tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: BHYT bắt buộc; cơ chế cùng chi trả; có hay không mô hình BHYT thương mại, cơ chế khuyến khích đóng nhiều hưởng nhiều...

Theo quy định của Luật BHYT, ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đối với trường hợp người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, người dân có quyền được đóng BHYT theo hộ gia đình tại đại lý BHYT trong phạm vi cả nước; được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật. Do đó, người tham gia được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện và tương đương thuận lợi nhất với nơi làm việc và nơi cư trú. Chẳng hạn như trường hợp làm việc và sinh sống tại Hà Nội, có đăng ký tạm trú dài hạn thì có thể có thể tiếp tục đóng BHYT tại đại lý thu gần nhất với nơi sinh sống.

Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia tiến đến người dân có thể đóng BHYT qua dịch vụ công trực tuyến.

Cho ý kiến về vấn đề này tại Buổi giao lưu trực tuyến về phát triển bền vững BHYT toàn dân mới đây do Báo Nhân dân tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong lần này sửa Luật này, cần phải bàn rất kỹ, phải làm sao tạo ra các thủ tục hành chính thông thoáng và thực hiện linh hoạt. Người tham gia có thể đóng ở đâu cũng được. Trên hệ thống cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam phải thể hiện, người tham gia đóng BHYT theo hộ gia đình hay theo cá nhân, không nhất thiết phải quay về Bắc Ninh hay địa phương nào, mà đóng theo mã số. Bởi vì, đã thực hiện thông tuyến đến tuyến huyện rồi, và đến năm 2021 là thông đến tuyến tỉnh. Không chỉ BHYT, ngay cả BHXH cũng có thể chuyển tiền nộp BHXH trên điện thoại.

Ngoài ra, theo ông Lợi, Luật hiện hành chỉ cho phép Quỹ BHYT được dùng để chi trả trong công tác khám bệnh và điều trị. Trong khi đó, công tác y tế dự phòng cũng rất cần thiết phải bổ sung, bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Thực tế cho thấy, theo tìm hiểu, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ do khối tư nhân cung cấp được triển khai khá linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dùng. Người tham gia bảo hiểm có thể thanh toán tiền bảo hiểm qua các cửa hàng tiện lợi, qua Ngân hàng online, ví điện tử..., mà không mất thời gian đi lại.

Theo ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng, Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế, trong luật hiện hành có 3 phương thức thanh toán, nhưng thực tế mới chỉ triển khai được một phương thức. Bởi vậy, trong lần này, Ban soạn thảo Dự thảo Luật sẽ cần có những biện pháp quyết liệt để có thể triển khai được các hình thức thanh toán mà thế giới đang áp dụng. Đó là theo định suất, theo chữa bệnh và theo phí dịch vụ. Về hình thức thanh toán theo phí dịch vụ, đây là phương thức tốt nhưng đồng thời rất khó kiểm soát. Còn theo trường hợp bệnh hay nhóm bệnh, từng trường hợp sẽ được ấn định giá nhất định trên cơ sở tính toán, điều này sẽ làm giảm việc xảy ra sự lạm dụng, trục lợi.

Minh Thông

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-chinh/da-dang-hoa-phuong-thuc-thanh-toan-bao-hiem-y-te-118594.html