Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu: Định hình hướng đi lâu bền

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu có xu hướng chậm lại do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2020 đạt 21,7 tỷ USD.

 Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế

Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế

Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Đồng Nai đạt 19,44 tỷ USD, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như: Giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ, máy tính, điện tử và linh kiện, nông sản...; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,17 tỷ USD. Như vậy, năm 2019, Đồng Nai xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD, duy trì 6 năm liền xuất siêu. Tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1,72 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020, con số này đạt từ 21,7- 21,9 tỷ USD, tăng 10 - 11% so với năm 2019.

Dù vậy, đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai cho thấy, dù tỉnh hiện đã xuất khẩu hàng hóa vào 170 quốc gia, song hoạt động xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào một số thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Trung Quốc 11%, Nhật Bản 11%, châu Âu 7%...

Thêm vào đó, dù xuất siêu nhiều năm nhưng do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu vải, linh kiện máy móc… nên Đồng Nai vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Các thống kê của Sở Công Thương Đồng Nai cho thấy, năm 2019 tỉnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD và trong tháng 1/2020 là 318,4 triệu USD. Việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang khiến nhiều DN Đồng Nai rơi vào khó khăn do nước này bị dịch Covid-19 khiến các DN chưa hoạt động bình thường trở lại dẫn tới gián đoạn sản xuất.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu đầu vào ở các nước khác thay thế. Theo ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, những năm gần đây, các DN tại địa phương đã có xu hướng tìm nguyên liệu sản xuất ở trong nước để hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất hàng qua những nước Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại. Xảy ra dịch Covid-19 cũng là dịp để DN tính toán lại kế hoạch sản xuất và tìm nguồn nguyên liệu từ nhiều quốc gia khác nhau, tránh lệ thuộc và ảnh hưởng khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, nhiều DN Đồng Nai cho rằng, việc nhập nguyên liệu từ các thị trường thay thế có giá thành cao hơn từ 5 - 20%, trong khi giá xuất khẩu đã ký hợp đồng từ năm trước. Đây là một thách thức không nhỏ cho DN. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Chương cho hay, hội đang tiến hành tổng hợp những khó khăn của DN về tình hình xuất nhập khẩu của DN, sau đó sẽ kiến nghị UBND tỉnh có hướng hỗ trợ DN trong việc tìm nguồn nguyên liệu từ những thị trường khác để ổn định sản xuất. Ngoài ra, hội cũng sẽ đặc biệt chú trọng đến việc xúc tiến thương mại, mở các thị trường mới cho DN xuất khẩu, nhất là thị trường EU.

Theo bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, để hỗ trợ DN, trong thời gian tới, tỉnh sẽ cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… Qua đó, giúp DN ổn định sản xuất công nghiệp và bảo đảm hoạt động xuất khẩu.

Ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Hàng hóa của Đồng Nai đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn lệ thuộc vào một số thị trường lớn nên mức độ rủi ro khá cao. Do đó, trong thời gian tới, các DN phải tìm cách tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu để khi một vài thị trường gặp khó khăn, hoạt động xuất khẩu chung sẽ ít bị ảnh hưởng.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-dang-hoa-nguon-nguyen-lieu-nhap-khau-dinh-hinh-huong-di-lau-ben-133062.html