Đa dạng hóa nguồn lực trong công tác hòa giải ở cơ sở

Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, UBND, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể các cấp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. Như tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung cho các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; biên soạn các tài liệu; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân ở các khu dân cư…

Thể chế về công tác hòa giải ở cơ sở đã tương đối đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quan tâm xây dựng, thường xuyên được củng cố, kiện toàn từ trung ương đến địa phương; việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở đã được các địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, tổ hòa giải được được thành lập ở hầu hết các thôn, tổ dân phố trên cả nước. Hòa giải viên ở cơ sở được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải thông qua các lớp tập huấn do cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức.

Tại Hà Tĩnh, không có thôn, tổ dân phố nào trên địa bàn tỉnh là không có tổ hòa giải. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi đơn vị cấp xã có trên 8-10 vụ việc/năm, trong đó tỷ lệ hòa giải thành chiếm 81%. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Tòa án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Tại Yên Bái, nhìn chung, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả. Số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ, việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Như một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của cuộc sống; sự phối hợp triển khai công tác hòa giải ở cơ sở giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở một số nơi chưa thực sự chặt chẽ; hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều hạn chế…

Để khắc phục những tình trạng nêu trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế và hòa giải ở cơ sở, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên…

Thanh Trà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/da-dang-hoa-nguon-luc-trong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-587823.html