Đa dạng hóa nguồn lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo

Đa dạng hóa các hình thức vận động nguồn lực; phát hiện, tổng hợp những mô hình hiệu quả trong vận động nguồn lực từ thực tiễn để nhân ra diện rộng - đó là hướng đi hiệu quả, thể hiện từng bước đổi mới tư duy, nhận thức và những chủ trương, biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huy động, đa dạng hóa nguồn lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh ta trong vòng hơn 5 năm trở lại đây.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa tham dự lễ khởi công xây dựng cầu tràn suối Tìm, xã Trung Sơn (Quan Hóa). Ảnh: H.T

Vận động nguồn lực không chỉ đơn thuần là vận động xây dựng quỹ hội như trước đây mà tập trung nhiều vào vận động nguồn lực để tổ chức triển khai các phong trào, các hoạt động công tác hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” – ông Phạm Hùng Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa nhận định. Theo đó, ngoài nguồn lực vận động xây dựng quỹ, các cấp hội hạn chế việc nhập quỹ, nhập kho, tiền và hàng trợ giúp cho các đối tượng mà phát huy vai trò “cầu nối”, “điều phối” để giới thiệu các tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức trợ giúp phù hợp với khả năng hỗ trợ và nhu cầu trợ giúp; tham gia vào các hoạt động, các phong trào do hội phát động, hỗ trợ trực tiếp đến từng địa phương, từng đối tượng. Vận động nguồn lực được gắn liền với tuyên truyền về công tác hội và được tổ chức thực hiện theo từng nội dung hoạt động cụ thể của phong trào.

Vai trò “cầu nối” của tổ chức hội trong vận động nguồn lực thực hiện các phong trào, các hoạt động lớn đã có nhiều cách làm mới so với trước đây và mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2013-2019, giá trị nguồn lực vận động để thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đạt 164 tỷ 500 triệu đồng, riêng năm 2019 đạt gần 37 tỷ đồng, gấp trên 3 lần so với năm 2012. Trung bình mỗi năm đạt 23,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm chiếm trên 95%. Đối với phong trào ủng hộ đồng bào bị thiên tai, trong ba năm gần đây (2017-2019), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động và làm cầu nối để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến hỗ trợ trực tiếp (tiền, hàng) cho nhân dân các vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai trên địa bàn với tổng giá trị gần 40 tỷ đồng. Các cấp hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tư vấn, cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân hảo tâm về nhu cầu hiện tại của người dân các vùng bị thiên tai để tổ chức cứu trợ, giúp đỡ cho phù hợp, tránh được lãng phí (nhiều hàng hóa so với nhu cầu) và tránh được sự “chồng chéo” (nhiều đoàn đến cùng một địa phương)... Không chỉ dừng lại ở vận động nguồn lực để xây dựng quỹ hội và phục vụ công tác hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong và ngoài nước như trước đây, hiện nay các cấp hội trong tỉnh đã làm tốt việc vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động nhân đạo mang tính phát triển bền vững thông qua chương trình “Ngân hàng bò”; hỗ trợ xây dựng “Nhà Chữ thập đỏ”; hỗ trợ xây dựng phòng học tại các “điểm trường” cho học sinh, làm cầu dân sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới về vận động nguồn lực đã và đang được Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai được chia sẻ, nhân rộng trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thu hút sự tham gia và hỗ trợ nguồn lực ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu như: Mô hình “Bếp ăn tình thương”, Gian hàng chữ thập đỏ “Ai thừa thì cho - Ai thiếu thì nhận”, mô hình “Cung cấp dịch vụ tập huấn sơ cấp cứu trong các doanh nghiệp”, mô hình “Đặt thùng quỹ nhân đạo” tại các khách sạn, siêu thị, nhà chùa, mô hình tổ chức “Hội chợ nhân đạo” tặng quà cho đồng bào nghèo và xây dựng các chương trình, chuyên mục được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, thông qua “Tháng Nhân đạo” - tháng toàn dân làm nhân đạo được phát động vào tháng 5 hằng năm, các cấp hội trong tỉnh đã vận động nguồn lực bằng tiền, hàng để tổ chức các hoạt động nhân đạo với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng (năm 2019 là 6,5 tỷ đồng). Tổng giá trị vận động nguồn lực phục vụ cho các hoạt động nhân đạo của Tỉnh hội từ năm 2015 đến hết tháng 9-2019 đạt 368 tỷ đồng; trong đó năm 2018 là 75,5 tỷ đồng, 9 tháng năm 2019 là 66 tỷ đồng. Một số tổ chức, cá nhân, cơ sở làm tốt công tác huy động và đa dạng hóa các nguồn lực trong những năm gần đây như: Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Xương, Cẩm Thủy, Hà Trung, Nông Cống, Lang Chánh, Thường Xuân, Hậu Lộc, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các câu lạc bộ tình nguyện viên chữ thập đỏ như: Thiện nguyện xanh, TP Thanh Hóa; Thiện nguyện Bỉm Sơn; Tâm thiện nguyện Du Lịch...

Được sự giới thiệu của Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tìm đến Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy để được lắng nghe nhiều hơn về câu chuyện huy động, đa dạng hóa nguồn lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo. Được biết, trong nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy là một trong những tổ chức hội có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt nhiều thành tích đáng tự hào trong hoạt động này. Bà Nguyễn Thị Mới, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy vui vẻ, nhiệt tình chia sẻ: “Cẩm Thủy là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tiềm năng dành cho các hoạt động nhân đạo hạn chế. Tuy nhiên, được sự quan tâm của ban lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức huy động, đa dạng hóa nguồn lực đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, phát triển hoạt động nhân đạo”. Bên cạnh việc làm tốt công tác phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đã tạo nên những thay đổi cả về chất và lượng cho hoạt động nhân đạo. Đối với công tác huy động, đa dạng hóa nguồn lực, ngoài nguồn ngân sách được Nhà nước hỗ trợ và đóng góp từ phía hội viên, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy xác định “kêu gọi sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng”. Trong đó, hội nỗ lực làm tốt vai trò “cầu nối”, “điều phối” nhằm hạn chế tối đa tình trạng “chồng chéo” để làm sao đưa hoạt động cứu trợ xã hội và trợ giúp nhân đạo phù hợp đến từng đối tượng. Đối với hầu hết các chương trình, phong trào, trước khi triển khai thực hiện, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy đều tổ chức khảo sát, lập danh sách đối tượng và nhu cầu cụ thể. Căn cứ vào nhu cầu của đối tượng và khả năng thực tế của Huyện hội để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, giao chỉ tiêu đến từng cơ sở. “Điều này không chỉ giúp cho các hoạt động cứu trợ xã hội và trợ giúp nhân đạo phù hợp đến từng đối tượng, mà trên hết, nó tạo điều kiện cho cơ sở chủ động cân đối được nguồn quỹ dành cho hoạt động nhân đạo” – bà Nguyễn Thị Mới cho biết. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực và ngày càng lớn mạnh của các câu lạc bộ tình nguyện trên địa bàn huyện cũng đóng một vai trò quan trọng, làm đa dạng, phong phú cho các hoạt động nhân đạo. Ví như, Câu lạc bộ thiện nguyện “Những tấm lòng vàng” huyện Cẩm Thủy thu hút khoảng 100 tình nguyện viên tham gia, thường xuyên tổ chức các chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, các trường hợp thương, bệnh binh, người già neo đơn, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn... Nhờ làm tốt việc huy động, đa dạng hóa nguồn lực mà công tác cứu trợ xã hội và trợ giúp nhân đạo của huyện Cẩm Thủy trong những năm qua tiếp tục được duy trì và nhân rộng các mô hình theo hướng bền vững, với tổng trị giá các hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 4 tỷ đồng, trợ giúp cho 10.371 lượt người. Nhiều năm liên tục, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Thủy đều được nhận cờ thi đua Đơn vị xuất sắc công tác hội và phong trào chữ thập đỏ cấp huyện do Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng và các bằng khen, giấy khen do UBND tỉnh, UBND huyện Cẩm Thủy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Để có được những kết quả tốt trong việc huy động và đa dạng hóa các nguồn lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phạm Hùng Mạnh chia sẻ: Đó là quá trình hoạt động bền bỉ, trách nhiệm, linh hoạt kết hợp các yếu tố, trong đó vận động xây dựng quỹ là nền tảng; làm cầu nối tin cậy để các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến trực tiếp trợ giúp cho các đối tượng, là yếu tố then chốt. Một mặt, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp tâm huyết, nhiệt tình, có kiến thức, kỹ năng và phương pháp vận động cộng đồng; làm tốt công tác tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền về đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Cùng với đó, việc phối hợp có hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luôn được giữ vững. Gắn chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động nguồn lực; sử dụng các nguồn đóng góp, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng; công khai minh bạch kết quả các đợt vận động, quyên góp ủng hộ; lựa chọn đối tượng cần trợ giúp phải chính xác; phải tạo được lòng tin trong chính quyền, nhân dân và các nhà tài trợ; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân tiêu biểu; phát triển và nhân rộng mô hình hoạt động câu lạc bộ tình nguyện viên chữ thập đỏ trên địa bàn toàn tỉnh...

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/da-dang-hoa-nguon-luc-thuc-day-hoat-dong-nhan-dao/110631.htm