Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam

Đó là chủ đề tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 31-12 tại Hà Nội.

Trải qua hơn hai thập kỷ, diện tích rừng quy hoạch thành các khu rừng đặc dụng tăng lên nhanh chóng theo các năm, từ 985.280ha được chia thành 93 khu vào đầu những năm 1990 đã lên tới 2,2 triệu ha với 164 khu và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 2,4 triệu ha với 174 khu năm 2020.

Tuy nhiên, cũng tương tự như các quốc gia trên thế giới, ngân sách nhà nước cho quản lý, bảo vệ và bảo tồn các khu vực này thường không bao giờ đủ. Nguyên do một phần là giá trị của rừng và đa dạng sinh học thường không được đánh giá chính xác, dẫn đến vị thế của ngành lâm nghiệp thường bị xếp hạng ưu tiên thấp. Các chương trình điều chỉnh cơ cấu tài chính gần đây cũng gần như theo hướng giảm quy mô, phân cấp về địa phương hoặc bắt đầu tìm kiếm những nguồn lực khác thay thế. Việc thiếu hụt kinh phí này thường được đánh giá là vấn đề mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả quản lý, bảo vệ và bảo tồn các khu rừng đặc dụng.

Vì vậy, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho rừng đặc dụng là hướng đi Chính phủ áp dụng nhằm cải thiện các tài chính đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và bảo tồn. Nếu thực hiện đúng, biện pháp này sẽ giúp giải quyết được cả hai khía cạnh là doanh thu và đầu tư cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và bảo tồn rừng.

 Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đánh giá về triển vọng đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư hệ thống rừng đặc dụng, chuyên gia Ngô Anh Tuấn cho biết: Nhìn chung, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư hệ thống rừng đặc dụng sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các nguồn ngân sách nhà nước và ODA, tăng dần các nguồn xã hội hóa, trong đó dự đoán nguồn thu từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần phải triển khai thực hiện đồng bộ 5 loại hình DVMTR theo Luật Lâm nghiệp, nâng mức chi trả đối với các cơ sở sản xuất thủy điện và nước sạch ngang giá thị trường, đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách cho thuê môi trường rừng.

Còn ông Nguyễn Quốc Dựng, đại diện Viện Điều tra, Quy hoạch rừng đã đưa ra một số rủi ro trong việc cho thuê môi trường rừng (MTR), cụ thể khái niệm, phạm vi thuê và cho thuê MTR cũng như các quy định tài chính còn chưa rõ, thực trạng nguồn tài chính từ thuê MTR còn thấp. Ví dụ Vườn Quốc gia Ba Vì mỗi năm thu đến 1,5 tỷ đồng tiền giữ xe nhưng thu từ cho thuê MTR chỉ khoảng 800 triệu đồng.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của việc tự chủ tài chính, ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã và đang gây áp lực với công tác quản lý rừng và kiểm soát lâm sản, vẫn còn nạn khai thác lâm sản, khoáng sản và săn bắt động vật quý hiếm. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống giao thông, viễn thông và dịch vụ hậu cần còn gặp nhiều khó khăn.

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/da-dang-hoa-nguon-dau-tu-cho-he-thong-rung-dac-dung-viet-nam-606672