Sau khi thu giữ, Agribank đấu giá tài sản của Khoáng sản Miền Trung

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Định vừa có thông tin về đấu giá tài sản của Công ty CP Khoáng sản miền Trung.

Sau khi thu giữ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục có thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Khoáng sản Miền Trung tại Agribank Chi nhánh Bình Định. Giá khởi điểm của tài sản ở mức gần 284 tỷ đồng. Kế hoạch tổ chức ngày 16/03/2018.

Tài sản đấu giá nói trên là toàn bộ bất động sản, bất động sản được đặt, gắn liền trên thửa đất thuê tại địa chỉ: Cụm Công nghiệp Hoài Đức, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; các tài sản gắn với tài sản thế chấp và các tài sản khác gắn liền với thửa đất đã thế chấp mà Công ty Khoáng sản miền Trung (và/hoặc bên khác) tự ý đầu tư, xây dựng thêm sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp hoặc tài sản đã hình thành trước đó nhưng Công ty không thông báo cho Ngân hàng biết; quyền khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ hiện có đã được bàn giao lại cho Agribank Chi nhánh Bình Định và Agribank AMC.

Trước đó, hồi đầu tháng 11/2017, vì Công ty Khoáng sản miền Trung đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà không thực hiện được/đúng nghĩa vụ trả nợ theo cam kết, vi phạm nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng nên Agribank đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo này.

Được biết, công ty CPKS sản Miền Trung là thành viên của công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội). Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành từng chiếm giữ đến 86,23% vốn của cảng Quy Nhơn (Bình Định), khi cảng này cổ phần hóa hoàn toàn vào năm 2015. Hợp Thành hiện vẫn còn giữ 78% vốn tại cảng Quy Nhơn.

năm 2009, công ty CPKS sản Miền Trung đã vay của Agribank Bình Định để đầu tư cho nhà máy chế biến quặng sắt tại cụm công nghiệp Hoài Đức với tổng số vốn 180 tỉ đồng, thời gian cho vay là 6,5 năm và thêm 1 năm ân hạn. Tuy vậy sau đó 3 năm, doanh nghiệp này không trả nợ cho Agribank Bình Định với khoản nợ cả vốn lẫn lãi khoảng 230 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là đơn vị này không đủ điều kiện đi vào sản xuất với do yếu tố thị trường nên doanh nghiệp đành phải giao lại cho ngân hàng.

Sự việc xảy ra gây thiệt hại một khoản tiền lớn cho phía Agribank. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng trước đó bên phía ngân hàng Agribank Bình Định đã chưa đánh giá kỹ năng lực của doanh nghiệp này?

Từ khi thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Agribank là ngân hàng tiên phong nhất trong việc bán thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Khác với các ngân hàng thi thoảng mới có thông báo về bán tài sản thì Agribank lại thông báo rất thường xuyên, liên tục cập nhật các tài sản mới. Các tài sản của ngân hàng đưa ra bán đấu giá thường có giá trị khá lớn, có tài sản vài tỷ, có tài sản cả trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy những khoản nợ còn tồn, có khả năng thu hồi lại so với giá trị thật của Agribank là rất lớn.

Thu Hà (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/sau-khi-thu-giu-agribank-dau-gia-tai-san-cua-khoang-san-mien-trung--229866.htm