Đã, đang đầu tư có trọng điểm

Theo dự đoán, năm học 2018 – 2019, tình trạng quá tải trường lớp đối với học sinh đầu cấp sẽ còn nghiêm trọng hơn so với các năm trước. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành thành phố phải có giải pháp tổng thể để sớm khắc phục, bảo đảm chỗ học cho học sinh.

Trường, lớp quá tải

Những năm gần đây, quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội liên tục tăng. Năm học 2018 - 2019, số học sinh vào lớp 1 tăng thêm khoảng 30.000 học sinh, vào lớp 6 tăng thêm khoảng 11.000 học sinh và vào lớp 10 tăng thêm khoảng 24.000 học sinh so với năm học trước. Trong khi đó, mạng lưới trường học, lớp học còn hạn chế. Điều này đã dẫn tới tình trạng quá tải về chỗ học.

Đáng chú ý, số lượng học sinh tăng tập trung ở một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… khiến cho những nơi này vốn đã quá tải, nay lại càng thêm áp lực. Theo thống kê tại một số trường trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, năm nay sĩ số các lớp 1 đều tăng so với mọi năm. Tình trạng sĩ số lớp ở mức 60 học sinh/lớp đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Trong năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ phấn đấu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là các quận trung tâm.

Cầu Giấy là một trong những quận nhận được sự đầu tư lớn cho giáo dục. Tuy nhiên, việc gia tăng dân số quá nhanh trong những năm gần đây đã gây áp lực lên hệ thống trường, lớp. Theo đó, mặc dù đã có quy định về sĩ số học sinh trung bình từ 35 - 40 học sinh/lớp nhưng trước sức ép tăng dân số cơ học, không ít trường học trên địa bàn quận vẫn vượt quá ngưỡng này khá nhiều.

Theo ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) quận Cầu Giấy, Cầu Giấy là quận có tốc độ đô thị nhanh do quá trình đô thị hóa, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống chung cư cao tầng. Những năm gần đây đã đặt ra bài toán cần sự đồng bộ trong chiến lược đầu tư của lãnh đạo quận và sự tham mưu của ngành GD&ĐT để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân, đồng thời từng bước hội nhập trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Theo ước tính, tại Hà Nội hiện có trên 500 dự án khu đô thị và nhà ở thương mại, khu nhà ở. Hàng loạt dự án được mở ra, bộc lộ bất cập do công tác quy hoạch và xây dựng của nhiều khu đô thị chưa đáp ứng đúng mục tiêu ban đầu, đặc biệt là hệ thống trường học. Thậm chí, tại nhiều nơi, dù các hộ dân đã chuyển tới sinh sống rất lâu nhưng trường học chưa có hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây quá tải cho các trường lân cận.

“Trên địa bàn quận hiện có 93 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Số học sinh vào lớp 1 năm nay của toàn quận là 6.900 em (tăng 1.700 em so với năm học 2017 - 2018). Hầu hết các trường đều có sĩ số học sinh/lớp ở mức trung bình là 55 học sinh/lớp và một số trường tiểu học có sĩ số học sinh/lớp ở mức trên 60 như: Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô...” - ông Phạm Ngọc Anh cho biết.

Tương tự như quận Cầu Giấy, quận Hoàng Mai cũng là một trong những địa bàn “nóng” về áp lực tuyển sinh năm học mới 2018 - 2019. Với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6.000 đến 8.000 học sinh, trong khi việc xây dựng các dự án khu đô thị, chung cư cả cũ và mới trên địa bàn gần như chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học công lập, khiến cho việc tìm nơi học tập cho con em của người dân khá chật vật.

Chẳng hạn như tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), hiện nay, toàn phường có 78 chung cư, trong đó có những tòa lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, cả phường chỉ có 2 trường là trường Tiểu học Hoàng Liệt và trường Tiểu học Chu Văn An. Do đó, các trường học trên thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh phải đi xa để gửi con ở trường công lập thuộc địa bàn khác, hoặc gửi con ở trường tư thục với mức học phí cao gấp 2-3 lần so với trường công.

Giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học

Nhằm giải quyết căn bản tình trạng thiếu chỗ học, trong năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục xác định công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng giáo dục gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời tham mưu với thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; đề xuất xây dựng phương án, giải pháp công nhận mới, công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là 70% theo chỉ đạo của UBND Thành phố và giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là các quận trung tâm…

“Một số khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các quận nội thành như Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm... Trong khi đó, các huyện ngoại thành như Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa…dễ bố trí địa điểm xây dựng trường nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng một số trường học cũ chưa được cải tạo kịp thời, nhà vệ sinh tại nhiều trường học chưa đạt chuẩn.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt quyết định “điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”. Trong đó, đề xuất điều chỉnh đến năm 2030, toàn thành phố sẽ cải tạo và xây mới 1.557 trường học (trong đó xây mới 1.275 trường) với tổng kinh phí khoảng 74.000 tỷ đồng” – ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.

Còn theo ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong 10 năm qua, quy mô mạng lưới trường lớp của ngành GD&ĐT Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển với 2.643 trường học, 1.892.748 học sinh. Từ năm 2008 đến năm 2018 quy mô giáo dục của thành phố tăng 435 trường mầm non và phổ thông, tăng 632.572 học sinh. “Tuy nhiên, Hà Nội vẫn để xảy ra quá tải một số địa bàn do nguyên nhân quy hoạch về trường lớp chưa đồng bộ, một số trường ở khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về số học sinh, số học sinh/lớp.

Ngoài ra, chất lượng giáo dục toàn ngành chưa thật đồng đều. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2018-2019, Hà Nội cần hoàn thiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học toàn thành phố. Quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Qua đó, từng bước khắc phục việc thiếu phòng học tại các khu vực nội đô, đông dân cư…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Năm học 2017 – 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức triển khai rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các trường học trong khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Sở GD&ĐT đã trình UBND Thành phố đang xem xét phê duyệt quyết định “điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” với kết quả đề xuất điều chỉnh là: Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ cải tạo và xây mới 1.557 trường học (trong đó xây mới 1.275 trường) với tổng kinh phí khoảng 74.000 tỷ đồng.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/da-dang-dau-tu-co-trong-diem-78571.html