Đã có trường hợp tử vong do cúm A/H1N1,bác sĩ khuyên làm điều này để phòng bệnh

Cúm là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đường hô hấp dưới do vi-rút cúm gây ra.

Theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh vừa có 2 trường hợp tử vong có nhiễm cúm A/H1N1. Theo đó, bệnh nhân đầu tiên tử vong có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn hơn nửa tháng trước.

Sáng 3/11, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, tử vong sau 6 ngày nhập viện.

Cơ quan y tế sau đó phải cách ly 44 người tiếp xúc với bệnh nhân và cấp thuốc kháng virus Tamiflu. Một người tiếp xúc gần với bệnh nhân dù được theo dõi, điều trị tích cực nhưng cũng mới vừa tử vong.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thị Vân Anh, trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cúm là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đường hô hấp dưới do vi-rút cúm gây ra.Có 4 loại vi-rut cúm A, B, C, D. Trong đó A, B, C gây bệnh cho người. Tại Việt Nam, cúm thường do vi-rút A H3N2, vi-rut cúm A H1N1 và cúm B.

“Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra lúc giao mùa của khí hậu, đặc biệt vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân khi mà không khí nồm ẩm.

Tuy triệu chứng dễ nhầm lẫn, nhưng nhìn chung cảm cúm là bệnh lành tính, có thể tự giới hạn.

Tuy triệu chứng dễ nhầm lẫn, nhưng nhìn chung cảm cúm là bệnh lành tính, có thể tự giới hạn.

Bệnh lây từ người sang người do lây chất tiết đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, giọt khí dung khi phun khí dung của chất tiết đường hô hấp. Có thể lây truyền bằng đường miệng do tiếp xúc qua tay bị nhiễm vi-rút”, bác sĩ Vân Anh nói.

Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên thường xảy ra ở các đối tượng: nhân viên y tế, trẻ < 5 tuổi, người lớn > 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý gan mạn, suy tim, hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường tuýp II, bệnh suy giảm miễn dịch

Biểu hiện của bệnh cúm rất đa dạng, thể bệnh nhẹ chỉ có biểu hiện hô hấp không sốt, khởi phát có thể từ từ như cảm lạnh, thể bệnh nặng có biểu hiện suy hô hấp.

Bệnh thường nhầm lẫn với cảm lạnh, tuy nhiên cảm cúm có những dấu hiệu đặc trưng giúp phân biệt với bệnh cảm lạnh: Bệnh xảy ra đột ngột với sốt cao 39-40 độ ( cảm lạnh không sốt ), đau đầu, đau cơ nhiều ( cảm lạnh ít gặp đau cơ ), mệt mỏi chán ăn nhiều hơn, nặng hơn ( so với cảm lạnh), ho khan, có thể có chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi ( nhưng ít hơn so với cảm lạnh ), kéo dài 1- 2 tuần hoặc đôi khi lâu hơn ( cảm lạnh kéo dài khoảng vài ngày ).

Tuy triệu chứng dễ nhầm lẫn, nhưng nhìn chung cảm cúm là bệnh lành tính, có thể tự giới hạn. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ < 5 tuổi, người lớn > 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý gan mạn, suy tim, hen, , phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường tuýp II, bệnh suy giảm miễn dịch.

“Các biến chứng của bệnh bao gồm: Viêm phổi do vi-rút, viêm phổi do bội nhiễm vi trùng, viêm thanh quản, đợt cấp COPD trên bệnh nhân đã có bệnh COPD, viêm cơ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hiếm hơn có thể gặp sốc độc tố, hội chứng Guillain- Baree, viêm não sau cúm, hội chứng Reye”, chuyên gia này cho biết.

Tại Việt Nam, cúm thường do vi-rút A H3N2, vi-rut cúm A H1N1 và cúm B.

Bác sĩ Vân Anh liệt kê những điều cần làm để phòng bệnh:

- Tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

- Chích ngừa cúm hằng năm, đặc biệt là các đối tượng dễ mắc nêu trên.

- Khi có dịch cúm nên hạn chế đến chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh cúm, khi phải tiếp xúc với người bệnh cảm cúm ( nhân viên y tế, người chăm sóc …) nên sử dụng biện pháp phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, rửa tay sau khi chăm sóc bệnh nhân

- Người bệnh cúm phải được cách ly và điều trị.

GIA HUY

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/da-co-truong-hop-tu-vong-do-cum-ah1n1bac-si-khuyen-lam-dieu-nay-de-phong-benh-1488139.tpo