Đã có nền tảng tốt hơn để ổn định tỷ giá

Tỷ giá 'nóng sốt' nguyên một tuần đầu tháng 5 đã khiến nhiều người lo về khả năng sức nóng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì cơ quan này chưa phải can thiệp để tăng cung cho thị trường.

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, câu hỏi được đặt ra là liệu tỷ giá có nằm trong dự báo của NHNN và đâu là “bệ đỡ” cho tỷ giá những tháng cuối năm?

Diễn biến tỷ giá đột ngột tăng gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có tác động về mặt tâm lý trên thị trường. Ảnh: Thành Hoa

Tỷ giá “nhúc nhích” vì đâu?

Sáng ngày 13-5-2019, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đứng ở mức 23.047 đồng/đô la Mỹ, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước. Đây là phiên giảm đầu tiên sau một tuần liên tục đi lên của tỷ giá trung tâm. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN là 23.200 đồng/đô la Mỹ chiều mua vào và 23.688 đồng/đô la Mỹ chiều bán ra.

Tại Vietcombank, đến cuối ngày 13-5 thì 1 đô la Mỹ được mua vào với giá 23.275 đồng, bán ra khoảng 23.395 đồng. Trên thị trường tự do, 1 đô la Mỹ đổi được 23.330 đồng. Giá đô la Mỹ của ngân hàng thương mại trong ngày 13-5 đồng loạt giảm 20-50 đồng so với giữa tuần trước. Tại nhiều ngân hàng, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ đã quay về mặt bằng cách đây một tuần, tức trước khi bắt đầu tăng mạnh.

Phân tích việc tăng tỷ giá trong thời gian qua tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019, do NHNN phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng diễn biến tỷ giá đột ngột tăng gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có tác động về mặt tâm lý trên thị trường.

“Những động thái mới của hai nước này không ảnh hưởng tới cung cầu ngoại tệ Việt Nam, nhưng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Phạm Hồng Hải, trên thị trường, bản thân các ngân hàng thương mại cũng kỳ vọng có lượng đầu tư gián tiếp vào thị trường rất lớn. Giao dịch này chưa diễn ra nhưng các ngân hàng đã bán ra ngoại tệ từ những ngày trước để giữ âm trạng thái và đợi khi có giao dịch thì sẽ mua được ở mức giá thấp. Nhưng đến khi giao dịch không diễn ra như dự đoán thì phải đi mua lại với giá cao, tạo áp lực trên thị trường.

Trong tuần vừa rồi, đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 1%, nhiều đồng tiền khác cũng biến động. Khi thị trường bất ổn, đa phần mọi người sẽ tìm đến các kênh trú ẩn và đồng đô la Mỹ vẫn là kênh mà mọi người cảm thấy an tâm hơn.

Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho tỷ giá

Theo ông Hải, về cơ bản thì nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, NHNN có công cụ để điều tiết chủ động. Cung cầu ngoại tệ không có biến động đột biến, không có tình trạng doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ mà không mua được. Đó là những cơ sở tốt để có niềm tin NHNN giữ được ổn định thị trường tiền tệ.

Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng thương mại lớn cũng nhận định với hơn 8 tỉ đô la Mỹ đã mua trong bốn tháng qua, NHNN dư sức để bổ sung cho nguồn cung, giải quyết được nhu cầu ngoại tệ của các tháng, như với tháng 4 là khoảng 560 triệu đô la Mỹ nhập siêu và một phần ngoại tệ chuyển từ quan hệ tín dụng sang mua bán.

Vị này cho rằng, trong thời gian tới, giá ngoại tệ sẽ biến động nhiều hơn chứ không phải nằm một chỗ như các tháng đầu năm, do tác động của chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến các đồng tiền lớn trên thế giới.

“Tuy vậy, nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài) đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là vốn từ Hàn Quốc và Trung Quốc tìm đến đầu tư tại Việt Nam thông qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, sẽ giúp Việt Nam tăng thêm nguồn thu ngoại tệ. Do đó, ít khả năng NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường như năm ngoái”, vị này nói.

Có mặt tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019, đại diện NHNN, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết trong những năm qua để đạt được sự ổn định của thị trường và kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới biến động, NHNN đã có sự chủ động hơn trước. NHNN luôn đưa ra nhiều kịch bản khác nhau từ cuối năm, và những tác động mà mỗi kịch bản tạo ra cho năm tiếp theo.

Theo ông Tú Anh, đầu năm 2019, hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và với cả EU có khả năng khiến chủ nghĩa bảo hộ tăng... làm cho dòng vốn tháo chạy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nước có kinh tế vĩ mô không ổn định.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào, điều đó chứng minh Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư trong khu vực. Và việc tỷ giá không quá biến động là một trong những lý do giúp cho các nhà đầu tư yên tâm.

Nhận xét về điều hành tỷ giá, ông Phạm Hồng Hải cho rằng cách thức điều hành của NHNN đã thông minh hơn rất nhiều, có nhiều công cụ đưa ra mà không tốn quá nhiều nguồn lực, thay vào đó có thể tận dụng thế mạnh của truyền thông, tận dụng các công cụ về mặt kỹ thuật để có thể cung ứng cho thị trường ngay khi thị trường có nhu cầu. Năm 2018, khi đồng nhân dân tệ mất giá, NHNN cũng linh hoạt điều chỉnh chứ không còn neo tỷ giá như trước, đã tạo niềm tin lớn cho thị trường.

“Tuy nhiên, như diễn biến tuần qua cho thấy, khi có biến động trên thế giới, thì tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định, chúng ta vẫn đang ở lộ trình xây dựng niềm tin, và cách điều hành của NHNN cần đồng nhất để tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai”, ông Hải nói thêm.

Cùng nhận định là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã thông minh hơn, nhưng Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhắn nhủ ba điều quan trọng nhất mà NHNN cần làm là tăng sự chủ động; ổn định kỳ vọng; kết hợp khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ để ứng xử với tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Ông Thành cho rằng năm nay áp lực tỷ giá vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết, trong khi kinh tế thế giới có thể giảm tốc nhưng giá dầu vẫn ở xu thế tăng nếu tính từ đầu năm. Tuy thế ông Thành cho rằng với khả năng lạm phát khoảng 4%, NHNN lại rất chủ động trong điều hành thì tỷ giá tổng thể có thể chỉ tăng quanh 2%.

Thảo Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288800/da-co-nen-tang-tot-hon-de-on-dinh-ty-gia.html