Đã có hướng ra cho Nhà máy thép Việt Pháp

Việc di chuyển Nhà máy thép Việt Pháp (NMTVP) đến cụm công nghiệp (CCN) thôn Hoa của thị trấn Thạnh Mỹ thuộc huyện Nam Giang được người dân đồng tình.

Một góc nơi NMTVP sẽ được xây dựng trong thời gian tới đây.

NMTVP thuộc Công ty Thép Việt - Pháp là dự án mà tỉnh Quảng Nam đã “trải thảm đỏ” mời đầu tư xây dựng sản xuất thép, được cấp phép 50 năm, với quy mô diện tích 29.411 m2, công suất thiết kế 48.000 tấn phôi/năm, công suất hoạt động thực tế là 25.000 tấn phôi thép/năm. Nhà máy đi vào hoạt động tại thị xã Điện Bàn từ năm 2012.

Trong quá trình hoạt động, nhà máy luôn bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, lãnh đạo máy luôn khẳng định: “Nguyên liệu chính mà nhà máy sử dụng là sắt thép phế liệu để nấu, hoàn toàn không sử dụng quặng và nhà máy dùng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra khí thải và quá trình thẩm định dự án các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ”.

Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền, Phó Tổng thư ký Tổng hội cơ khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tự động hóa tỉnh Quảng Nam cũng quả quyết rằng: “Quy trình, công nghệ tái chế sản phẩm phôi thép ở NMTVP chỉ sử dụng nguồn nước tuần hoàn làm mát sản phẩm, hoàn toàn không xả ra sông Bung, sông Vu Gia”.

Mặt khác, từ năm 2013 đến nay đã có 8 lần Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Nam lấy mẫu các chất thải kiểm tra và tất cả đều đảm bảo môi trường theo quy định. Quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cũng cho kết quả tương tự.

Giám đốc NMTVP cũng đã có văn bản cam kết, sản xuất đảm bảo môi trường, cắt giảm công suất tối đa để không gây khói bụi, thời gian sản xuất từ 17h30 ngày hôm trước đến 9h sáng hôm sau. “Nếu nhà máy không thực hiện đúng như đã cam kết, công ty hứa sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các cấp chính quyền và bà con nhân dân”.

Dù vậy, người dân vẫn không đồng tình với sự tồn tại của nhà máy, chủ yếu do ô nhiễm tiếng ồn, mùi khói từ nhà máy phát ra. Từ đó, người dân liên tục phản đối, thậm chí lập lều “bám trụ” và chặn xe ra vào nhà máy. Trước tình hình này, nhà máy đành phải đóng cửa.
Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc nhà máy cho rằng, nhà máy hoạt động không ổn định trong nhiều năm qua và phải ngưng sản xuất đến nay gần 6 tháng, gây khó khăn cho công ty.

Trong khi đó, các cơ quan thuộc tỉnh Quảng Nam cũng tìm nhiều cách để di dời nhà máy đến vị trí thích hợp.

Mới nhất, vào ngày 17/9 tại thị trấn Thạnh Mỹ, UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự án NMTVP đầu tư xây dựng tại CCN thôn Hoa thuộc thị trấn Thanh Mỹ của huyện này dưới sự chủ trì của ông Chờ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy và ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang.

Tại đây, lãnh đạo huyện đã thông báo về chủ trương cũng như hướng đầu tư xây dựng NMTVP tại CCN thôn Hoa. Theo đó, dự kiến nhà máy thép sẽ xây dựng trên diện tích dưới 10 ha, với công suất khoảng 180.000 tấn sản phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ giải quyết việc làm từ 200 đến 300 lao động địa phương, cùng với đó hàng năm công ty sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội.

Đại diện nhà máy cũng ký cam kết đảm bảo chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tại đây, người dân đã thống nhất chủ trương xây dựng NMTVP; đồng thời mong muốn công tác giải tỏa đền bù phải được thực hiện thỏa đáng; bố trí tái định cư phải kịp thời để người dân ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh yêu cầu NMTVP phải hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; đồng thời sẽ kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức.

Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/da-co-huong-ra-cho-nha-may-thep-viet-phap-tintuc416178