Đã có chuyển biến về tư duy và hành động cụ thể trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế

Các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã có sự chuyển biến cả về tư duy, và theo đó là quyết tâm và hành động cụ thể, trong trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo chiều ngày 22-10.

Chiều 22-10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá tóm tắt giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 (Nghị quyết số 24) về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo Báo cáo, thực hiện triển khai Nghị quyết số 24 và dự kiến kết quả thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020,các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã có sự chuyển biến cả về tư duy, và theo đó là quyết tâm và hành động cụ thể, trong trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, với việc tập trung vào chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng cơ cấu lại các ngành kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; hành động quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính (cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành).

Đánh giá kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 24 trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có chín chỉ tiêu đã hoàn thành; tám chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và năm chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.

Báo cáo nêu rõ, nhìn chung, quá trình triển khai cơ cấu lại nền kinh tế đã bám sát quan điểm nêu tại Nghị quyết số 05 và Nghị quyết 24 của Đảng và Quốc hội, vừa tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, đồng thời chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai và theo dõi giám sát về thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới cần tiếp tục được chú trọng và đổi mới, để tiếp tục tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế trên cả nước, qua đó các Bộ, ngành, địa phương chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 24 thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đồng thời phải giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và thực hiện cải cách, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020. Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 để triển khai với 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành.

Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong số năm nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có bốn nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan. Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.

Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong chín tháng đầu năm 2018. Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 7-2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, trong đó bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp và có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế.

Ngoài ra, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam chưa được thu hẹp so với khu vực ASEAN-4, vẫn duy trì mức chênh lệch khoảng 1-2 điểm %. Tuy nhiên, việc giữ ổn định được mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là một thành công trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong và ngoài nước.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế đã đổi mới, bước đầu khắc phục những bất cập nêu tại Nghị quyết số 24. Nhiều chương trình, kế hoạch hành động được ban hành bao quát hầu hết nội dung của các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 24. Trong số 16 chính sách lớn nêu tại Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, một số chính sách được triển khai khá tốt như: hoàn thiện thể chế kinh tế; cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kết cấu hạ tầng. Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thành lập để tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như: xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; cơ cấu lại Ngân hàng Nhà nước; thực hiện quá trình đô thị hóa...

LÊ HÀ - Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37999302-d%C3%A3-c%C3%B3-chuyen-bien-ve-tu-duy-v%C3%A0-h%C3%A0nh-d%E1%BB%8Dng-c%E1%BB%A5-th%E1%BA%BB-trong-thuc-hien-co-c%C3%A1u-l%E1%BA%A1i-n%C3%A8n-kinh-t%C3%A9.html