Đã có bước tiến nào trong 4 trụ cột của tái cấu trúc TTCK?

Đến nay đã 6 năm, thử điểm lại việc thực hiện các trụ cột theo Đề án 'Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm' tại Quyết định 1826 của Thủ tướng Chính phủ

Đề án "Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm" tại Quyết định 1826 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện dựa trên 4 trụ cột:

Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ;
Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư;
Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán;
Tái cấu trúc tổ chức thị trường.

Đến nay đã 6 năm, thử điểm lại việc thực hiện các trụ cột nói trên. Đối với trụ cột Tái cấu trúc tổ chức thị trường, theo Đề án giai đoạn 2014 - 2015 sẽ hoàn tất tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán (GDCK), theo hướng cả nước chỉ có 01 Sở giao dịch chứng khoán và từng bước cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường; trên cơ sở đó thành lập Sở GDCK Việt Nam. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính mới trình Chính phủ Đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán HNX và HOSE.

Đối với trụ cột Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, nếu đối chiếu với yêu cầu: “Hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công ty trên cơ sở gắn kết giữa thị trường chào bán sơ cấp với thị trường giao dịch thứ cấp; từng bước xây dựng đường cong lợi suất chuẩn cho thị trường trái phiếu” của Đề án thì dường như mục tiêu này rất ít được ghi nhận, ngoài việc có thêm mảng thị trường phái sinh, hàng hóa và sản phẩm trên thị trường vẫn khá đơn điệu.

Đối với trụ cột Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, chiếu theo hướng “Đa dạng hóa các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư khác tham gia thị trường chứng khoán” của Đề án thì gần như chưa đạt được khi vẫn có đến 90% nhà đầu tư trên TTCK là nhà đầu tư cá nhân.

Đối với trụ cột Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán được thực hiện tốt hơn cả. Trước đây tổng số công ty chứng khoán khoảng trên 100; đến nay thông qua nhiều hình thức tái cấu trúc như chấm dứt hoạt động, giải thể, sáp nhập…, hiện còn trên 77 công ty đang hoạt động.

Mặc dù trong 4 trụ cột, đến nay mới có 1 trụ cột thực sự đi đúng hướng theo yêu cầu của Đề án, nhưng điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung ổn định. Tính đến ngày 28/12/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 (Phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 đạt khoảng 70% GDP). Đế nay, thị trường chứng khoán Việt Nam dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Lê Giang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/da-co-buoc-tien-nao-trong-4-tru-cot-cua-tai-cau-truc-ttck-59239.htm