Đã có 50 làng nghề, cơ sở nghề tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019

Theo Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, đến nay đã có 50 làng nghề, cơ sở nghề với 300 nghệ nhân và thợ thủ công trong cả nước đăng ký tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019.

Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại một Festival Nghề truyền thống Huế 2018. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại một Festival Nghề truyền thống Huế 2018. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 (diễn ra từ ngày 26/4-2/5/2019) sẽ có nhiều hoạt động nghề sống động: Trưng bày, thao diễn, giới thiệu, trao đổi và mua bán các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế và một số địa phương tiêu biểu trong cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Giang, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp….
Tại đây, du khách không chỉ đến tham quan, lựa chọn mua sắm, mà sẽ còn được trực tiếp thao tác sản xuất, được tự do sáng tạo và tự tay chế tác sản phẩm cho riêng mình dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân tài hoa với các nghề: Thêu, pháp lam, kim hoàn, may áo dài, dệt lụa, zèng và thổ cẩm, diều, mộc mỹ nghệ, tranh dân gian, đèn lồng, nhang trầm, sản phẩm từ sen…
Chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế 2019, nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong đã tìm tòi, sáng tạo và chế tác ra những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt trưng bày nhằm giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế những nét tinh túy của nghề kim hoàn xứ Huế với nhiều mẫu mã phong phú như: Đĩa phong cảnh Thiên Mụ, đĩa phong cảnh Đại Nội, mặt dây chuyền mang chữ Phước, bộ kiềng đeo cổ Hoa Sen, bộ kiềng đeo cổ Long Phụng Song Hỷ, khung tranh 3D Logo Huế…
Gắn bó với Festival Nghề truyền thống Huế từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005 cho đến nay, rất nhiều sản phẩm tâm đắc với nhiều chất liệu khác nhau đã được nghệ nhân kim hoàn Duy Mong đem đến để mọi người thưởng lãm như: "Cài áo Đại Nội Huế", "Châm hoa Lạc Việt", "Gương soi ánh nguyệt", "Quạt cung đình"… Đặc điểm chung của những tác phẩm này là đều sử dụng những họa tiết cung đình thời Nguyễn cũng như tạo hình đậm chất Huế.
Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong cho biết, lựa chọn con đường gìn giữ và phát huy nghề truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng với tâm huyết yêu nghề, cống hiến hết mình của nghệ nhân Trần Duy Mong, hy vọng rằng nghề kim hoàn sẽ góp một phần không nhỏ vào thành công của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sắp đến.
Lại có những nghề tưởng chỉ tồn tại trong cung cấm, giữ bí quyết làm đẹp dành riêng cho Hoàng hậu và các cung tần triều Nguyễn thời bấy giờ nay được khôi phục và trình diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, đó là phấn nụ Nhất Chi Mai.
Cơ sở phấn nụ Nhất Chi Mai đang chuẩn bị khoảng 3.000 hộp cho 5 loại sản phẩm, bao gồm: Phấn trang điểm cho 3 loại da (da hỗn hợp, da thường, da nhờn); dưỡng da ban đêm và sản phẩm nước hoa hồng, tẩy tế bào chết cho da.

Mỗi sản phẩm của Nhất Chi Mai có giá dao động từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng. Hiện nay, cơ sở đã thiết kế mẫu mã bao bì mới tinh tế, đẹp mắt thay cho túi đựng bằng nilong thông thường nhằm phục vụ du khách trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2019.
Mặc dù đã trải qua bề dày lịch sử tưởng chừng như bị mai một theo thời gian, song phấn nụ Nhất Chi Mai vẫn được truyền giữ bí quyết, gìn giữ cho đến ngày nay, nổi tiếng khắp vùng đất kinh kỳ và du khách thập phương. Thỏi phấn nụ với dáng vẻ bề ngoài đơn giản như một nụ hoa, nhưng để kết tinh thành nụ hoa đó phải trải qua những công đoạn hết sức khắt khe và phức tạp.
Nguyên liệu chủ yếu là thạch cao được nung bằng nhiệt than, nung đến khi đá thạch cao vỡ vụn, tơi xốp thì đem xay nhuyễn và lọc bằng nước tinh sạch. Nhất Chi Mai khác biệt với tất cả các loại phấn nụ khác ở đặc tính rất sạch và mịn nhờ công đoạn lọc bằng nước máy và pha chế bằng nước cất (nước máy đun sôi và giữ lấy hơi nước).

Sản phẩm được tổng hợp từ các loại thảo dược thiên nhiên, không sử dụng hóa chất và hương hóa học mà chỉ có mùi đặc trưng từ hoa mộc lan tạo ra mùi thơm nhẹ nhàng, quyến rũ.
Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế cho biết, bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Ban tổ chức đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian sen, không gian lụa và thổ cẩm, không gian áo dài, không gian nghề đông y, không gian lồng đèn, diều, không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế....
Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế, tạo thêm tính tương tác với cộng đồng thu hút công chúng và khách du lịch.../.

Quốc Việt/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/da-co-50-lang-nghe-co-so-nghe-tham-gia-festival-nghe-truyen-thong-hue-2019/112306.html