Đa chiều trong tiếp cận bảo tồn di sản đô thị

Nghiên cứu và khảo sát hệ thống di sản văn hóa đô thị Sài Gòn - TPHCM nếu chỉ tiếp cận từ một góc độ nào đó thì hệ thống di sản này không thể hiện là 'những di sản sống cùng thành phố', mà trên thực tế nó đang tồn tại và thể hiện cuộc sống đô thị. Vì vậy, khi nghiên cứu di sản văn hóa đô thị cần coi đô thị là một đối tượng có thể tiếp cận và là tổng hợp của các cách tiếp cận từ các khía cạnh: không gian vật thể (từ một ngành cụ thể như khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch...), khía cạnh kinh tế (trị giá của bản thân các công trình và giá trị phát sinh từ đó), khía cạnh chính trị - chính sách (ứng xử với quá khứ, với sự đa dạng của xã hội công dân) và khía cạnh văn hóa - xã hội (ký ức cộng đồng, truyền thống sinh hoạt cộng đồng).

Tiếp cận từ không gian vật thể

Dinh Thượng Thơ xưa, nay là trụ sở 1 số cơ quan quản lý nhà nước đang được đề xuất đập bỏ để xây dựng lại. Ảnh: Tư liệu

Đô thị là nơi có một hệ thống chức năng hoạt động và cư dân ràng buộc tương tác với nhau chủ yếu qua hệ thống đó. Xây dựng đô thị cũng là xây dựng môi trường sống vật chất của con người, cơ sở vật chất cho sự hoạt động của hệ thống. Vì thế, tiếp cận từ không gian vật thể là trực quan nhất, hợp lý nhất khi xem xét các vấn đề của đô thị. Không gian vật thể gồm không gian công cộng (đường phố, công viên, quảng trường và các công trình chức năng công cộng...); không gian cư trú phần lớn có tính chất cá nhân, ngay cả những chung cư thì tính cá nhân cũng thể hiện ở các căn hộ.

Mặc dù không gian và công trình công cộng đều hướng tới nguyên tắc “dành cho tất cả mọi người” có thể sử dụng một cách đa dạng, tạo hiệu quả tối ưu của không gian, nhưng sự thực không gian công cộng luôn bị kiểm soát bởi những quy tắc xã hội và những điều luật quy định.

Tiếp cận từ khía cạnh chính trị

Trong không gian công cộng của đô thị, khía cạnh chính trị thể hiện mối quan hệ của Nhà nước và xã hội công dân. Trong các thể chế dân chủ, Nhà nước được bầu ra đại diện cho đa số người dân và nắm trong tay các quyền lực tối cao để quản lý không gian công cộng và quy hoạch không gian vật thể. Tuy nhiên do cấu trúc không hoàn hảo của chính sách từ trung ương xuống địa phương và góc nhìn chủ quan bị giới hạn bởi nguyên tắc hành chính, trong nhiều trường hợp là trình độ hiểu biết và điều hành của nhà quản lý, dẫn đến nhu cầu bổ sung ý kiến phản biện của các tổ chức dân sự địa phương. Không gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và Nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do tính công cộng của nó, thông qua sự tham gia chính trị của bất cứ cá nhân, tổ chức xã hội nào bằng cách đối thoại với chính quyền để vượt qua lợi ích đặc thù (nhóm) hướng tới lợi ích cộng đồng một cách minh bạch và khả thi với sự đồng thuận giữa những người có thiện chí.

Tiếp cận từ khía cạnh kinh tế

Cách tiếp cận này liên quan nhiều đến quyền sở hữu và tính chất cá nhân/công cộng của di sản. Nói chung di sản đô thị có thể xem xét qua các khái niệm cơ bản của kinh tế công cộng như hàng hóa công, tài chính công và thị trường. Hàng hóa công là những hàng hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người, không có tính cạnh tranh hoặc loại trừ (hoặc gần được như vậy), tài chính công liên quan đến các chính sách thuế để quản lý điều tiết hàng hóa công và chính sách phúc lợi.

Do đó, nếu giá trị của di sản đô thị được điều tiết theo hướng hàng hóa công thì hai yếu tố kia cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với giá trị chính yếu của di sản đô thị.

Tiếp cận từ khía cạnh xã hội

Việc khảo sát tính xã hội của di sản văn hóa đô thị sẽ tìm ra những bản sắc và cấu trúc của xã hội đó. Những hành vi trong cuộc sống thường ngày và nhất là trong những trường hợp tiêu biểu sẽ chỉ ra “trình độ” văn hóa của các cộng đồng dân cư đô thị đối với di sản văn hóa.

Trình độ hiểu biết, quan điểm, thái độ, chính sách, thực hiện dự án và việc “sửa sai, đền bù quá khứ”..., tức là những hành vi xã hội của nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà đầu tư và người dân thể hiện nguyện vọng, ý chí về bảo tồn di sản văn hóa đô thị. Cả bốn cộng đồng tuy thường xuyên có mâu thuẫn về lợi ích nhưng cần phải có tiếng nói chung để tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho cộng đồng và cá nhân một cách thiết thực và bền vững.

Nguyễn Thị Hậu

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272367/da-chieu-trong-tiep-can-bao-ton-di-san-do-thi-.html